Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp nhằm làm gia tăng hiệu quả kinh tế và góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác hại của thiên tai. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với Đề án; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra cây trồng rừng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để nông dân đưa vào các chương trình trồng rừng gỗ lớn tạo nguyên liệu đa dạng cho nhu cầu thị trường chế biến gỗ hiện nay. Đồng chí cũng yêu cầu triển khai Đề án theo phương châm không chạy theo thành tích mà đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu; trên kinh nghiệm thực tiễn của từng địa phương, các tỉnh đóng góp ý kiến tham luận nhằm mang lại hiệu quả cao trong việc triển khai tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã trình bày một số nội dung cơ bản của Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Định hướng tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp sẽ thực hiện trên những nội dung: Cơ cấu các loại rừng; nâng cao giá trị gia tăng của ngành; điều chỉnh, rà soát, sắp xếp các loại hình tổ chức quản lý rừng; huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính; phát triển theo vùng kinh tế - sinh thái lâm nghiệp.
Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động lựa chọn, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực, lồng ghép với các chương trình, dự án trên địa bàn thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương, hội nghị cũng đã hướng dẫn Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tại địa phương.
Đại diện các tỉnh, thành trên toàn quốc đã tham gia phát biểu tham luận với nhiều nội dung xoay quanh nghiệp những vấn đề như: Giải pháp đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; một số mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả kinh tế cao cần nhân rộng; sản xuất cung ứng giống cây rừng chất lượng cao… Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013-2020.
Theo Website Quảng Bình