Chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp

Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và bền vững. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cũng như thách thức đòi hỏi phải có sự quan tâm và trợ giúp từ phía các cơ quan Nhà nước.

Do đó, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, Quảng Bình là một trong các tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai thí điểm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014.



Chuyên mục Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên Trang Thông tin điện tử Quảng Bình

Triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, đặc biệt chú trọng lồng ghép nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vào hoạt động của từng ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến hỗ trợ pháp lý cũng được cập nhật trên Trang Thông tin điện tử Quảng Bình trong Chuyên mục Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gồm các bài viết nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ, giới thiệu các chính sách pháp luật mới của Trung ương và tỉnh; đăng tải các văn bản ban hành từ năm 1989 đến nay trên trang Văn bản quy phạm pháp luật... Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và các địa phương cũng đã lập Trang Thông tin điện tử để tạo điều kiện cho quá trình hoạt động hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp khi có nhu cầu, rà soát bộ thủ tục hành chính, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc.

Mặt khác, các cấp, các ngành và địa phương cũng đã chú trọng việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.585 tủ sách pháp luật, trong đó 323 tủ sách ở xã, phường, thị trấn và 5.262 tủ sách của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các tủ sách pháp luật có nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư...

Ngoài ra, các sở, ban, ngành và các địa phương cũng đã tích cực xây dựng tài liệu để giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, đã phát hành 1.500 cuốn Bản tin Tư pháp chuyên đề về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; 21.000 cuốn giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; in ấn, pháp hành 500 sổ tay tìm hiểu pháp luật về kiểm tra sau thông quan; cung cấp 26.761 tài liệu liên quan đến các thủ tục hành chính thuế; phát hành 230.000 tờ gấp có nội dung về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...

Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương cũng đã tổ chức 294 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật với 29.735 lượt người tham dự; 12 hội nghị tọa đàm về thực trạng triển khai pháp luật trong lĩnh vực hải quan, kinh doanh bất động sản...; 105 cuộc đối thoại doanh nghiệp nhằm giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách pháp luật thuế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, giải đáp pháp luật, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiến hành tiếp nhận yêu cầu, giải đáp pháp luật cho 24.276 lượt yêu cầu có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, trong đó qua điện thoại 12.366 lượt, bằng văn bản 243 lượt, trực tiếp 9.608 lượt, tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp 50 lượt và trên phương tiện thông tin đại chúng 2.000 lượt. Thông qua các buổi tập huấn, đối thoại trực tiếp, ý kiến trao đổi, kiến nghị của doanh nghiệp được các cơ quan liên quan tiếp nhận, giải đáp kịp thời, đúng thẩm quyền, đồng thời tiếp thu các ý kiến phản hồi, kiến nghị để trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức của doanh nghiệp về các quy định của pháp luật chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được các lợi ích khi tham gia các tổ chức trợ giúp pháp lý... nên việc tiếp cận và hiểu các văn bản pháp luật rất khó khăn, hạn chế. Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, trong năm 2015, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh tiếp tục chú trọng việc kết nối thông tin chặt chẽ với các doanh nghiệp để tiếp cận, giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp, đánh giá hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ trong sản xuất, đăng ký thương hiệu sản phẩm, tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tổ chức cho các doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm tại hội chợ trong và ngoài tỉnh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ khoa học - kỹ thuật, tư vấn pháp lý... Các cấp, các ngành và địa phương cũng sẽ nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cung cấp đầy đủ các thủ tục, niêm yết công khai tại các cơ quan, ban, ngành và Cổng Thông tin doanh nghiệp, đồng thời thực hiện công tác đăng ký kinh doanh, mã số thuế qua mạng nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đặc biệt là việc chú trọng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp và đầu tư để cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các cấp, các ngành và địa phương cũng sẽ tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, mở rộng thị trường lao động của các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Nắm được vai trò quan trọng của Chỉ số PCI cấp tỉnh, trong đó có chỉ số dịch vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp đối với việc cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp, các cấp, các ngành và địa phương cũng sẽ tiến hành rà soát một số văn bản liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

Có thể nói, việc chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống kinh doanh, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phòng, chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Do đó, trong những năm qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã đóng góp tích cực vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và nộp gần 70% ngân sách toàn tỉnh; tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/tháng. Sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng không ngừng được nâng cao, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu trên dịa bàn tỉnh.

Theo Website Quảng Bình