Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, khéo léo huy động sức dân; kết hợp và lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư vào nông thôn mới; chọn đúng khâu đột phá phù hợp với thực tiễn ở địa phương; mạnh dạn nhân rộng những cách làm sáng tạo và hiệu quả... nên đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Từ năm 2011 - 2014, toàn tỉnh đã huy động được 5.919 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước do các cấp bố trí và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khoảng 2.038 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 3.222 tỷ đồng; các doanh nghiệp hỗ trợ gần 53 tỷ đồng... Cả tỉnh có trên 26 nghìn hộ dân tự nguyện hiến khoảng 1,7 triệu m2 đất ở, đất vườn... với tổng giá trị ước tính 113 tỷ đồng; hơn 14.300 hộ tự nguyện phá dỡ gần 1.000 trụ cổng (giá trị ước tính 6 tỷ đồng), khoảng 3.000 mét hàng rào (giá trị ước tính 31 tỷ đồng), 389.000 cây cối các loại (giá trị ước tính 28 tỷ đồng) và nhiều tài sản khác giá trị ước tính chừng 10 tỷ đồng...
Tính đến cuối tháng 9/2015, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 13 địa phương cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đến cuối năm 2015 có 28/136 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, hiện nay, thành phố Đồng Hới đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để được xét công nhận 02 xã cuối cùng về đích nông thôn mới, đồng thời đề nghị xét công nhận là địa phương đạt nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến hết năm 2015, toàn tỉnh có hơn 20%, đến năm 2020 sẽ có trên 50% số xã về đích nông thôn mới và 02 - 03 huyện đạt huyện nông thôn mới.
Theo Quang Binh Portal