Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Tích cực tham gia thảo luận, đóng góp thêm nhiều ý kiến quan trọng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (kỳ cuối)

Trong những ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận sôi nổi và đóng góp thêm nhiều ý kiến quan trọng.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội trường đối với việc thực hiện 

chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012

 

Trong phiên thảo luận ở Hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, các đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm đến việc điều chỉnh mức chuẩn nghèo, tiêu chí bình xét hộ nghèo, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất trong vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, đại biểu đề cập đến tình hình sản xuất, đời sống của người dân sống gần rừng và dựa vào rừng hiện nay còn rất khó khăn, đồng bào dân tộc nhiều nơi thiếu đất sản xuất, đất ở, không có việc làm và cho rằng đây là sự tiềm ẩn những bất ổn và bức xúc của người dân. Qua đó, đại biểu đề nghị có cơ chế giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc; thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng ổn định lâu dài cho nông dân; có cơ chế khoán trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc sống chủ yếu dựa vào rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng biên giới; có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng đặc thù thuộc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ, tập quán lạc hậu; chú trọng xây dựng các cầu dân sinh phục vụ đồng bào miền núi, vùng cao, vùng dân tộc. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có quy hoạch cụ thể mạng lưới dạy nghề, có sự phân loại, tập trung đầu mối, cơ chế phân cấp, phối hợp, gắn trách nhiệm cụ thể, khắc phục tính chồng chéo, trùng lắp, đầu tư phân tán nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí cao sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế và vấn đề còn bất cập hiện nay. Đại biểu Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, thế hệ người Việt Nam ra nước ngoài định cư từ năm 1945 đến nay chưa biết được tỷ lệ những người đã có quốc tịch ở nước sở tại là bao nhiêu. Thời kỳ trước đây, vấn đề quốc tịch được thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước; chính vì vậy, việc đưa ra những sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật là phù hợp với thực tiễn lịch sử Việt Nam nhằm khắc phục lại những quy định cũ cho phù hợp theo quy định của Hiến pháp mới, gia hạn thời gian là 05 năm để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chính sách đăng ký quốc tịch Việt Nam. Đối với công tác quản lý Nhà nước, cần có sửa đổi phù hợp để mọi công dân Việt Nam có đủ giấy tờ chứng minh để họ mang quốc tịch Việt Nam.

Trong thảo luận về Dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch, đại biểu Hà Hùng Cường cho rằng, hai Dự thảo Luật này được ban hành là phù hợp nhằm điều chỉnh, khắc phục được những tồn tại trước đây, đồng thời kịp thời chấn chỉnh lại thủ tục về công tác hành chính về hộ tịch. Dự án Luật trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quan tâm và cần sự đồng tình ủng hộ của đại biểu Quốc hội. Đại biểu nhấn mạnh về những quy định trong việc thu hồi căn cước của công dân, thẻ công dân; nếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có Bộ Ngoại giao quy định phù hợp nhằm đảm bảo về quyền con người, quyền công dân của họ. Hiện nay, Luật Hộ tịch đang làm thí điểm theo tài trợ của ODA về việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 986 của Chính phủ, nếu đạt được mục đích thì sẽ nhân rộng, triển khai trong toàn quốc về hộ tịch, phấn đấu đến năm 2020 sẽ thực hiện xong và có những quy định chặt chẽ, phù hợp. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc sửa đổi, ban hành và phân cấp quản lý Nhà nước về hộ tịch là cần thiết, bởi hiện nay có nhiều thủ tục rườm rà; Dự thảo Luật Hộ tịch so với Luật Căn cước công dân còn có điểm chưa phù hợp, chồng chéo; Luật quy định cán bộ hộ tịch cấp Giấy khai sinh, nhưng khi cấp Căn cước công dân lại trùng lặp nên cần phải cân nhắc giữa hai Luật này cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong thảo luận về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Hoàng Đăng Quang, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, phạm vi điều chỉnh như quy định trong Dự thảo Luật là phù hợp. Về quyền và nghĩa vụ được quy định ở Điều 16, đại biểu đề nghị Chính phủ phải quy định rõ hạng mục của từng Dự án. Đối với lĩnh vực đầu tư, những Dự án có điều kiện và cấm đầu tư, đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo mục đích kiểm soát trong từng lĩnh vực đầu tư. Đối với những quy định có tính ưu đãi và mang lại hiệu quả lớn trong đầu tư, đại biểu đề nghị nên đánh giá cụ thể hơn nhằm đưa ra những quy định, cơ chế phù hợp vừa đảm bảo cho nhà đầu tư, đồng thời vừa mang lại lợi ích cho địa phương. Đại biểu cũng đề nghị quy định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư để dễ dàng kiểm soát, đồng thời làm tốt công tác quản lý trong lĩnh vực đầu tư, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần phải quy định chặt chẽ, nhưng gọn nhẹ, tránh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách và cơ chế phù hợp, không nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, mà nên chú trọng đầu tư trong nước, phát huy thế mạnh nội lực và phát triển kinh tế đất nước.

Tiếp đó, trong thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Hoàng Đăng Quang cho rằng, những bản án của Tòa án tuyên nhưng không thi hành án được thì đề nghị cần phải xác định rõ trách nhiệm của Tòa án, cần có quy định cơ chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao đối với Bộ Tư pháp trong việc thi hành những bản án không thực hiện được. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, một số quyền lực của Tòa án là trung tâm của việc thực hiện quyền tư pháp, tuy nhiên giữa một số cơ quan như Tòa án, cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án vẫn đang còn bị cắt khúc thành nhiều giai đoạn; Dự thảo Luật có một số quy định còn mang tính hình thức. Dự thảo Luật quy định Tòa quyết định đưa bản án ra thi hành, nhưng khi thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, luật có một với thủ tục rườm rà, phức tạp, hoặc coi như là chép lại bản án mà Tòa án đã tuyên, hoặc trường hợp nếu không muốn thi hành bản án thì phải làm đơn... vì vậy, cần phải quy định rõ ràng hơn trong Luật. Đối với một số trường hợp khác nếu không thi hành được bản án thì cần phải quy định kỹ và cân nhắc cụ thể.

Đối với Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), trong phiên thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Minh Diệu đồng tình với tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của Luật về tổ chức bộ máy, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan thuộc Quốc hội. Riêng các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã và sẽ tiếp tục được điều chỉnh bởi Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Giám sát, Quy chế kỳ họp, Nghị quyết về tiếp xúc cử tri... đại biểu đề nghị cần phải được thể hiện bằng một Điều cụ thể trong Dự thảo Luật. Về cơ chế kiểm soát quyền lực, đại biểu đề nghị cần phải được quán triệt và thể hiện ngay trong các luật về tổ chức bộ máy, mà trước hết là Luật Tổ chức Quốc hội; cần bổ sung thêm Điều khoản mới về "quá trình hoạt động của Quốc hội phải chịu sự kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành pháp, tư pháp và sự giám sát của nhân dân” để phù hợp với quy định Khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp 2013. Về kỳ họp của Quốc hội, đại biểu chưa đồng tình với quy định tại Khoản 1 Điều 29 của Dự thảo quy định kỳ họp thường lệ - mỗi năm hai lần và kỳ họp bất thường trong trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Đại biểu đề nghị Luật phải quy định 03 hình thức tổ chức kỳ họp, đó là: Kỳ họp thường lệ, kỳ họp chuyên đề và kỳ họp bất thường. Đại biểu đồng tình cao với quy định việc hướng dẫn hoạt động của HĐND các cấp ở Khoản 1 Điều 72 của Dự thảo Luật việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức kỳ họp HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật; thể hiện được trách nhiệm của Quốc hội, của ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp. Việc quy định về chế độ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn đối với các chức danh trong bộ máy tổ chức của HĐND các cấp còn lại như huyện, xã không được quy định. Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch và các chức danh khác trong bộ máy HĐND các cấp theo quy định của pháp luật. Bên cạnh một số cơ quan thuộc Quốc hội, như: Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, đại biểu đề nghị cần xem xét để Viện Lập pháp và báo Đại biểu nhân dân cũng là các cơ quan thuộc Quốc hội, xác định địa vị pháp lý của Báo Đại biểu nhân dân nhằm khẳng định vị trí của một cơ quan ngôn luận, xứng tầm là tiếng nói, là diễn đàn của Quốc hội, diễn đàn của hệ thống các cơ quan dân cử và cử tri trong cả nước.

Ngoài các hoạt động trên, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình còn có nhiều ý kiến thảo luận, góp ý đối với việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (gọi tắt là Công ước và Nghị định thư Cape Town); tham gia biểu quyết thông qua một số Dự án Luật và một số Nghị quyết quan trọng khác.

Theo Báo Quảng Bình