Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Đại biểu cho rằng, về vấn đề bổ nhiệm cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, tuyển dụng nhân viên vượt quá nhu cầu làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là những vấn đề mà dư luận, cử tri vừa qua rất quan tâm, bức xúc nên Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh cần có sự điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Đối với các tiêu chí đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, đại biểu cũng chỉ ra một số điểm chưa phù hợp và đề nghị cần phải được quan tâm điều chỉnh trong Dự án Luật sửa đổi này. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, để kiểm soát những vấn đề trên cần thông qua rất nhiều giải pháp và có những sửa đổi, bổ sung phù hợp các giải pháp về hệ thống kiểm tra, giám sát; hệ thống tiêu chí về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp; biện pháp về công khai thông tin và các giải pháp về khen thưởng, kỷ luật vì trong Dự thảo Luật nêu chưa đầy đủ.
Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thú y, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Dự thảo Luật cần phải quy định rõ trình tự, thủ tục về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y trong trường hợp để thuốc thú y không đảm bảo chất lượng xâm nhập thị trường nhưng nhà sản xuất không đủ sức thu hồi lại; đồng thời cần có quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc phải thu hồi kịp thời số thuốc này giúp hạn chế tác hại. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để giảm bớt những quy định về thủ tục hành chính không cần thiết và phải tiến hành rà soát kỹ các quy định nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số luật liên quan khác…
Cũng góp ý đối với Dự thảo Luật này, đại biểu Lê Khánh Nhung cho rằng, theo thống kê của ngành Y tế, dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người hiện chiếm tỷ lệ cao, khoảng 75%. Việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra, do vậy, Dự thảo Luật Thú y cần có quy định về nội dung này, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phối hợp với Bộ Y tế để dự báo và ngăn chặn, quy định danh mục bệnh nguy hiểm truyền nhiễm từ động vật sang người... Đại biểu Lê Khánh Nhung còn tham gia phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong bài phát biểu của mình, đại biểu cho rằng, mức tăng thuế suất như đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra là quá thấp, không giảm được số lượng người dùng thuốc lá. Từ việc phân tích những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người, so sánh về sự chênh lệch quá lớn giữa lợi nhuận do thuốc lá mang lại cũng như chi phí phải bỏ ra của xã hội nói chung, ngành Y tế nói riêng trong việc phòng, chống và chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá, đại biểu đề nghị trước mắt cần thực hiện theo lộ trình để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, nhưng từ năm 2018 trở đi cần thiết phải tăng cao hơn nữa thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, trên cơ sở phát triển quan điểm đã được nêu trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân tích những yếu tố tích cực của Dự án này. Đại biểu cho rằng, việc xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ tạo cơ hội cho ngành Hàng không Việt Nam có điều kiện, khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, khắc phục những hạn chế, yếu kém của các sân bay Quốc tế ở Việt Nam hiện nay và khẳng định đây là việc làm cần thiết, mang tính đột phá. Tuy vậy, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về thời gian triển khai Dự án và cách làm. Theo đại biểu, việc cho chủ trương thực hiện Dự án phải được tiến hành ngay từ bây giờ, tuy nhiên trước khi triển khai thực hiện Dự án vào năm 2018, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải tích cực tìm kiếm nguồn đầu tư khác từ xã hội nhằm tiết kiệm tối đa ngân sách Nhà nước.
Phát biểu ý kiến đối với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp tại tổ. Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Minh Diệu góp ý điều chỉnh, bổ sung cụm từ “tiếp tục” vào đầu của mục tiêu đổi mới; bổ sung vào Khoản 2 của Điều 2 quy định “Đổi mới phải trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm thành công của nền giáo dục cách mạng”. Về nội dung đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá, đại biểu đề nghị thiết kế lại Điểm g Điều 3 thành: "Đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục phải tiếp tục theo hướng nhằm phản ánh chính xác mức độ đạt chuẩn theo qui định của chương trình, đồng thời trên cơ sở đó để hỗ trợ phát triển về phẩm chất và năng lực của học sinh". Đối với chủ trương thực hiện một chương trình và nhiều SGK, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn đối với việc quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức biên soạn một bộ SGK để chủ động cho việc triển khai chương trình mới. Sau khi phân tích những bất cập, đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ về vấn đề này và đề nghị thiết kế lại Điểm g Điều 2 theo phương án "Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân cùng tham gia biên soạn SGK. Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thông qua việc xây dựng, ban hành chương trình, tiêu chí đánh giá SGK; hướng dẫn cho đăng ký hợp đồng biên soạn SGK; tổ chức thẩm định và trực tiếp phê duyệt SGK". Theo đại biểu, thiết kế lại như vậy sẽ khuyến khích được nhiều nhà khoa học tham gia biên soạn SGK và quan trọng hơn là sẽ lựa chọn được những cuốn SGK có chất lượng.
Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Minh Diệu cho rằng, phải làm rõ về mô hình chính quyền địa phương thì mới có thể thống nhất và làm rõ được những vấn đề quan trọng khác. Phân tích về phương án 1 với việc thiết kế chính quyền địa phương theo hướng phân biệt chính quyền ở khu vực nông thôn và chính quyền ở khu vực đô thị, đại biểu cho rằng, việc thiết kế ở khu vực đô thị chỉ có một cấp chính quyền ở thành phố trực thuộc Trung ương, ở quận và phường chỉ tổ chức UBND không có HĐND là thiếu cơ sở hiến định và cơ sở thực tiễn. Tán thành với phương án 2, đại biểu nhấn mạnh, việc thiết kế cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính vừa đảm bảo cơ sở hiến định, vừa có đủ cơ sở thực tiễn, đúng với nguyên tắc của một thiết chế dân chủ là “ở đâu có quyền lực thì ở đó có sự giám sát quyền lực của nhân dân”. Từ cơ sở đó, đại biểu đề nghị, trước mắt phải tập trung nghiên cứu làm rõ sự khác biệt cơ bản giữa chính quyền ở khu vực nông thôn và đô thị, đồng thời cần thể hiện ngay vào Dự thảo Luật những quy định về tổ chức bộ máy cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền từng khu vực. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội phải ban hành một Nghị quyết cụ thể về việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình triển khai thực hiện, nếu sau thí điểm cho thấy có kết quả tốt thì sẽ bổ sung điều chỉnh Luật Chính quyền địa phương hoặc xây dựng luật mới về chính quyền đô thị.
Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu đã dành khá nhiều thời gian thảo luận nghiêm túc ở Đoàn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, khách quan khi tiến hành cho ý kiến vào phiếu tín nhiệm đối với 50 trường hợp là người giữ chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm bao nhiêu trường hợp buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng buôn lậu và Bộ trưởng có suy nghĩ gì về việc cần quy định về tiêu chí đánh giá thực trạng buôn lậu, quy định về mức độ, trách nhiệm cụ thể đối với việc để xảy ra tình trạng buôn lậu. Liên quan đến việc sử dụng xăng E5, đại biểu phân tích những băn khoăn của cử tri về độ an toàn của loại nhiên liệu này và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho cử tri biết việc sử dụng loại xăng này có đảm bảo an toàn không và ai sẽ chịu trách nhiệm khi chứng minh được loại xăng này không an toàn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng người lao động Việt Nam tại nước ngoài vi phạm hợp đồng lao động, bỏ trốn; tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của nhiều gia đình. Đại biểu cũng có ý kiến nêu rõ: Vừa qua, Bộ đã thanh tra, rà soát và cắt hưởng chế độ người có công đối với một số đối tượng làm giả hồ sơ, trong đó có một số trường hợp thực sự là thương binh, bị nhiễm chất độc hóa học nhưng do có sơ suất, sai sót trong quá trình làm hồ sơ; đối với những trường hợp này hướng giải quyết sắp tới của Bộ như thế nào?... Đối với những chất vấn trên, các Bộ trưởng đã nghiên cứu trả lời đúng hướng, đáp ứng được yêu cầu của đại biểu cũng như mong đợi của cử tri và nhân dân, đặc biệt nhiều cử tri trong tỉnh đã gọi điện đến Đoàn, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao.
Trong thời gian tham gia kỳ họp, một số đại biểu của Đoàn cũng đã tích cực nghiên cứu viết bài gửi các báo ở Trung ương và địa phương, trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo và Đài Truyền hình Việt Nam, VOV... Các đại biểu là thành viên các Ủy ban của Quốc hội còn tích cực nghiên cứu tài liệu và tham gia đầy đủ các cuộc họp ngoài giờ của các Ủy ban khi được triệu tập.
Buổi chiều ngày 28/11/2014, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII chính thức bế mạc. Đoàn ĐBQH tỉnh đã lên kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện tiến hành tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kỳ họp ngay sau khi trở về địa phương.
Theo Phong Hồng - Ất Mão (Thư ký Đoàn ĐBQH tỉnh)