Hiệu quả từ việc triển khai thực hiện chính sách phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, thời gian qua, Quảng Bình đã tăng cường triển khai áp dụng các cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.


Hợp tác xã làng nghề chiếu cói An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy)

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 24.029 cơ sở đang hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, gồm 683 doanh nghiệp, 120 hợp tác xã, 23.226 hộ kinh doanh cá thể với 56.117 lao động thường xuyên và thời vụ. Nằm trong quy hoạch phát triển nghề, làng nghề, trên địa bàn tỉnh có 65 cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp đã được quy hoạch, thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, trong đó 08 cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 110,5 ha.

Để cụ thể hóa Nghị định 66 của Chính phủ cùng với một số văn bản của UBND tỉnh ban hành, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những biện pháp, hình thức thông qua phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các đơn vị, địa phương; mở lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn theo chính sách nông nghiệp hàng năm; đồng thời tổ chức nhiều buổi tham quan học tập các mô hình thí điểm tại các tỉnh bạn. Cùng với đó, nhiều văn bản, kế hoạch, cơ chế chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa bàn, khu vực cũng được các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn áp dụng triển khai và đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2006-2015, tổng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn năm 2015 phân theo 07 nhóm ngành trong Nghị định 66 của Chính phủ ước đạt 4.185.931 triệu đồng, tăng 2,98 lần so với năm 2006; tổng lao động thường xuyên và thời vụ 56.117 lao động, tăng 1,33 lần so với năm 2006. Đặc biệt, từ năm 2011-2015, tỉnh cũng đã hỗ trợ 332 lượt cơ sở sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản, đồng thời đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước; thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề với 3.383 người học các nghề như may công nghiệp, mây xiên xuất khẩu, nón lá, chổi đót, mộc mỹ nghệ, cơ khí, chế biến thủy sản, mây - tre - đan... Về tình hình công nhận nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, tính đến ngày 30/9/2015, toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở đã được công nhận và theo kế hoạch trong quý IV/2015 sẽ tiếp tục tổ chức công nhận thêm 03 - 04 đơn vị.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở, làng nghề, làng nghề truyền thống được triển khai thường xuyên và liên tục. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân còn được tạo điều kiện để đưa sản phẩm làng nghề trưng bày, triển lãm, giới thiệu tại những sự kiện lớn của tỉnh. Ngoài ra, các cơ sở, làng nghề truyền thống cũng đã bước đầu triển khai đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu; quan tâm thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 66 trên địa bàn vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Phần lớn các cơ sở sản xuất ở dạng quy mô nhỏ, phát triển mang tính tự phát, sử dụng công nghệ, trang thiết bị lạc hậu; kiểu dáng, chất lượng nhiều loại sản phẩm còn kém, không đồng đều, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề và truyền nghề đối với sự phát triển của các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được quan tâm chỉ đạo nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Để tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng các mặt hàng truyền thống chế biến thủy hải sản, nông sản, thực phẩm tại từng xã, phường ven biển, dọc đường Hồ Chí Minh và đường 12A; phát triển những mặt hàng chế biến mây tre, nón lá truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ đều khắp các địa phương trong tỉnh; đồng thời khuyến khích phát triển mặt hàng mỹ nghệ chất lượng cao, thực phẩm ăn liền cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu như bánh, đồ hộp, nước uống, kết hợp việc phát triển thương hiệu lẫn đăng ký chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, Sở cũng duy trì, phát triển nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, thiết bị, đồ dùng dạy học, may mặc, giày da, sản xuất đồ cơ khí, điện, điện tử, vật liệu mới hiện có và đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao tay nghề, khuyến khích, chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn sản xuất kinh doanh cho các địa phương trên địa bàn tỉnh...

Theo Quang Binh Portal