Tình trạng cá chết hàng loạt trong những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, việc làm của ngư dân trong tỉnh. Đa số người dân vùng biển không tích trữ lương thực dự phòng nên nếu không ra khơi đánh bắt thì sẽ bị thiếu đói. Không chỉ ngư dân mà nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, làm muối, kinh doanh dịch vụ du lịch, hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại của ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ do ảnh hưởng của cá chết bất thường trên địa bàn tỉnh lên đến 115 tỷ đồng; trong đó, khai thác thủy sản thiệt hại hơn 60 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản gần 41 tỷ đồng; các cơ sở dịch vụ nghề cá hơn 10 tỷ đồng.
Tại buổi họp, nhiều đại biểu cho biết trong ngày 25 và 26/4/2016, tình trạng cá, hải sản chết bất thường vẫn còn diễn ra nên trong thời gian tới ngư dân vẫn chưa thể ra khơi đánh bắt trở lại.
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn mà ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp phải. Trong lúc chờ sự hỗ trợ từ Trung ương, trước mắt tỉnh sẽ trích 500 tấn gạo hỗ trợ ngư dân, các hộ làm muối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng với mức hỗ trợ 10kg/khẩu và giao cho UBND các xã phân bổ đảm bảo khách quan, công bằng. Cùng với đó, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, ngăn chặn ngư dân đánh bắt ven bờ, khuyến khích đánh bắt ở các vùng biển xa; vệ sinh môi trường, thu gom, tiêu hủy cá, hải sản chết; làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tâm lí người dân; huy động các tổ chức quan tâm, phát động phong trào "lá lành đùm lá rách", chung tay giúp đỡ ngư dân vượt qua khó khăn. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại, tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ xem xét hỗ trợ; các địa phương có giải pháp tạo việc làm cho người dân trong thời gian tới; sở, ngành liên quan phối hợp triển khai các nghiên cứu đánh giá thiệt hại về tài nguyên ven biển...
Theo Quang Binh Portal