Để đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, đại biểu đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tham nhũng, coi tham nhũng là một phạm trù lịch sử; đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, lâu dài, không thể xóa bỏ hoàn toàn, tiêu diệt tận gốc ngay tức khắc để loại bỏ tư tưởng nôn nóng, ảo tưởng muốn diệt hết nạn tham nhũng trong thời gian ngắn; qua đó tin tưởng vào phương pháp, trí tuệ, quyết tâm của Đảng và ủng hộ Đảng trong cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp này. Chính phủ và các địa phương cần khẩn trương triển khai chủ trương của Ðảng theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, công khai tổ chức, cá nhân tham nhũng, lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; coi trọng và phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, phương tiện thông tin đại chúng và Nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục phân tích, làm rõ quan điểm của mình về việc ủng hộ thông qua dự án luật, đồng thời đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số quy định cụ thể:
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy đại học, trường đại học, theo đại biểu quy định như dự thảo Luật vẫn còn những vấn đề bất cập; cần tùy theo từng trường hợp cụ thể, từng nơi, đơn vị để công nhận chỗ nào là đại học và chỗ nào là trường đại học nhằm nâng cao tính tự chủ, hiệu quả hoạt động nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc tinh giảm, làm gọn bộ máy. Ví dụ, đối với Đại học Huế cần xem xét, phân định những trường đại học nào ở Huế có thể sát nhập với Đại học Huế, còn trường đại học nào thì không nên sáp nhập mà cần tách riêng; chẳng hạn Trường Đại học Y dược Huế có thể tách ra khỏi Đại học Huế để thành trường đại học độc lập.
Thứ hai, về tiêu chuẩn của hiệu trưởng đại học, đại biểu đề xuất 02 phương án. Phương án 1: Nếu quy định cụ thể về tiêu chuẩn hiệu trưởng trong Luật này thì cần quy định đầy đủ hơn. Tại Khoản 2 Điều 20 về hiệu trưởng và tiêu chuẩn của hiệu trưởng, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, cởi trói cho các cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học được tự chủ. Cụ thể, đã bỏ tiêu chuẩn hiệu trưởng phải tham gia các cấp qua phòng cơ sở ít nhất là 05 năm. Tuy nhiên, tại quy định ở Điểm a Khoản 2 Điều 20 về tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học vẫn chưa đầy đủ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số tiêu chuẩn như về tiêu chuẩn “có phẩm chất chính trị, đạo đức” cần bổ sung thêm tiêu chuẩn về "lối sống", vì đạo đức bao giờ cũng phải đi với lối sống, đặc biệt hiệu trưởng phải có lối sống văn hóa. Về tiêu chuẩn phải có “trình độ tiến sĩ”, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định “phù hợp với chuyên ngành, thương hiệu nhà trường"; theo đại biểu, nếu hiệu trưởng có trình độ tiến sĩ mà không phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực đào tạo của nhà trường, đại học kinh tế mà giao cho tiến sĩ văn học làm hiệu trưởng thì không được, cần phải có thêm tiêu chuẩn chuyên ngành và thương hiệu nhà trường… Ở một số tiêu chuẩn khác cũng cần có sự bổ sung như: Có sức khỏe, có uy tín khoa học nhưng phải có thêm tiêu chuẩn khác là “được hội đồng nhà trường tín nhiệm”; nếu có uy tín, có sức khỏe mà không được hội đồng nhà trường tín nhiệm thì cũng không được; có kinh nghiệm quản lý nhưng cũng cần phải “biết điều hành khoa học và đã được đào tạo, cấp chứng chỉ về quản lý giáo dục”.
Phương án 02: Có thể nghiên cứu không đưa ra quy định cứng về tiêu chuẩn của hiệu trưởng đại học trong Luật này mà giao cho các cơ sở giáo dục, đào tạo đại học quy định. Hiện nay, tại một số Quốc gia trên thế giới có nền giáo dục đại học phát triển như Pháp, Mỹ không quy định cụ thể về tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học trong luật mà giao cho các trường đề ra tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà trường.
Ngoài những vấn đề trên, tại Điều 42 quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển của khoa học và công nghệ, đại biểu đề nghị quan tâm đến sự công bằng trong việc nghiên cứu khoa học, mở rộng phạm vi đến các trường đại học tư thục đều được tham gia nghiên cứu khoa học, công trình khoa học, tránh tình trạng chỉ các trường đại học công lập mới được tham gia công trình khoa học.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Cao Thị Giang cho rằng, qua 12 năm thi hành Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục - đào tạo nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập cần thiết phải sửa đổi. Đại biểu tập trung đi sâu góp ý đối với một số nội dung cụ thể. Trước hết, về bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; theo đại biểu dự án luật có một số quy định chưa đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là quy định về công khai, minh bạch hoạt động trong lĩnh vực giáo dục... Cụ thể, dự án Luật mới chỉ có một số quy định về công khai hoạt động và trách nhiệm giải trình nhưng lại được quy định tản mản ở một số điều và chưa đầy đủ, đồng bộ, như có quy định về trách nhiệm của trường dân lập, tư thục trong công khai chi phí đào tạo, mức thu, tài chính… tại Điều 97 và Điều 99, nhưng lại không quy định về trách nhiệm này của trường công lập. Dự thảo mới chỉ quy định trách nhiệm giải trình của nhà trường mà chưa quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục… Qua đó, đại biểu đề nghị cần rà soát để bổ sung nhằm bảo đảm tính đồng bộ.
Hai là, về quy định phổ cập giáo dục. Theo đại biểu, đây là quy định quan trọng để cụ thể hóa quy định tại Khoản 2 Điều 61 Hiến pháp 2013; tuy nhiên, quy định của dự thảo về vấn đề này tại Điều 13 là chưa rõ ràng, cụ thể khoản 1 Điều 13 quy định “Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc”. Với cách quy định này thì cần làm rõ: Phổ cập giáo dục mầm non và trung học cơ sở là loại phổ cập gì? Phổ cập bắt buộc khác gì với phổ cập không bắt buộc? Trách nhiệm của giáo dục, người học, nhà trường, xã hội, Nhà nước với từng loại phổ cập khác nhau như thế nào? Hiện nay, trong dự thảo mới chỉ có sự phân biệt giữa các loại hình nêu trên ở quy định về học phí; tuy nhiên, quy định này cũng chưa rõ. Vì vậy, đề nghị làm rõ hơn về lộ trình quy định tại Điều 97 của dự thảo Luật.
Ba là, về miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên cũng như tín dụng giáo dục. Đại biểu đồng tình miễn học phí cho học sinh THCS để làm tốt công tác phổ cập, phân luồng học sinh. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần tính toán phần hụt ngân sách của các trường, bởi vì miễn học phí thì phần thu học phí sẽ bị giảm, các trường sẽ thiếu hụt nguồn ngân sách, gây khó khăn cho các hoạt động… Về học phí sinh viên sư phạm, đại biểu cho rằng việc miễn học phí và cho vay học phí không phải là vấn đề chính; vấn đề chủ yếu là đầu ra của ngành này; vì vậy, để không gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như tiền của thì cần có quy định về chính sách đầu ra cho ngành sư phạm.
Liên quan đến quy định về chính sách tiền lương của nhà giáo; đại biểu cho rằng, việc quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hoàn toàn phù hợp; tuy nhiên, chính sách tiền lương phải gắn bó chặt chẽ với chất lượng đào tạo; do đó, cần có quy định chặt chẽ chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đầu ra trong lĩnh vực giáo dục để đảm bảo yêu cầu…
Thảo luận về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với các lý do cần thiết phải sửa đổi cơ bản Luật này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số nội dung của dự án luật cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể:
Thứ nhất, việc cụ thể hóa quyền con người trong dự thảo Luật cần phải được nghiên cứu kỹ để một mặt bảo đảm mục tiêu của hình phạt, bảo đảm quyền lợi của người chấp hành án, mặt khác tránh sơ hở, lạm dụng, gây khó khăn, phức tạp trong tổ chức thực hiện vì đây là vấn đề phức tạp. Hiện nay, việc hạn chế quyền của phạm nhân, của người chấp hành án khác trong từng lĩnh vực cụ thể đã được nhiều luật quy định và những quy định đang trong quá trình hoàn thiện. Ví dụ, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006 quy định người chấp hành án phạt tù không được hưởng bảo hiểm xã hội, nhưng đến luật năm 2014 lại quy định họ được hưởng. Đối với Luật Việc làm quy định chỉ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người chấp hành hình phạt tù, còn người bị phạt cải tạo không giam giữ, án treo, quản chế, cấm cư trú vẫn được hưởng quyền này. Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự không được cấp chứng chỉ hành nghề... Những nội dung nêu trên cần được xem xét tính toán để có quy định linh hoạt, phù hợp trong dự thảo.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, các quy định về quyền, nghĩa vụ của người chấp hành các hình phạt khác nhau còn chưa đồng bộ. Dự thảo luật mới chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế, còn đối với người được hưởng án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, dự thảo luật lại không quy định rõ quyền của những người này. Đây là người chấp hành hình phạt ngoài xã hội, nếu không quy định tõ sẽ rất vướng mắc trong việc họ có thể được thực hiện như thay đổi việc làm hay thay đổi nơi cư trú, hành nghề, thực hiện quyền đi lại... Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này.
Thứ hai, có nhiều quy định của dự thảo luật cần được xem xét, đánh giá về tính phù hợp, khả thi, tính hiệu quả dưới nhiều phương diện khác nhau. Ví dụ, việc quy định con dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Theo đại biểu, đây là một vấn đề cần hết sức cân nhắc. Sau khi phân tích một số vấn đề liên quan, đặc biệt là do trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc của người mẹ, cần được bú sữa mẹ và chỉ có theo mẹ mới được đáp ứng tốt nhất về mặt tâm lý, đại biểu bày tỏ quan điểm không tán thành với việc bổ sung quy định là trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố vì quy định này không phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Hoặc tại Điều 96 quy định về việc giải quyết cho người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú và theo thủ tục thì người được hưởng án treo phải làm đơn và phải có sự đồng ý của UBND cấp xã, nhưng trong dự thảo lại không quy định là trong trường hợp nào thì UBND xã đồng ý, trường hợp nào thì không đồng ý. Theo đại biểu, quy định như vậy dễ dẫn đến tùy tiện và có thể gây nên tiêu cực…
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường còn góp nhiều ý kiến quan trọng đối với một số quy định về thi hành án hình sự, cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Đại biểu cũng cho rằng, còn rất nhiều nội dung khác cần phải tiếp tục nghiên cứu; đồng thời đề nghị xin được thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) theo quy trình 03 kỳ họp.
Ngoài việc tham gia đóng góp ý kiến đối với một số dự thảo dự án luật quan trọng nêu trên, trong khoảng thời gian cuối kỳ họp, các đại biểu tập trung nghiên cứu các dự án luật, các nghị quyết đã được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để biểu quyết thông qua và họp Đoàn để lấy ý kiến đánh giá về kết quả kỳ họp.
Có thể nói, tham gia kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò trách nhiệm của Đoàn và đại biểu. Bên cạnh hoạt động thảo luận, chất vấn để thực hiện quyền lập pháp, giám sát và tham gia quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, trong suốt thời gian dự họp, các ĐBQH tỉnh còn tham gia một số hoạt động quan trọng khác như trả lời phỏng vấn báo chí, tham dự phiên họp do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; giao lưu tiếp xúc, trao đổi thông tin với đại biểu các Đoàn, lãnh đạo các Bộ, ngành để duy trì và mở rộng mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ tỉnh nhà.
Sáng ngày 20/11/2018, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chính thức bế mạc. Các ĐBQH tỉnh trở về địa phương để tiến hành hoạt động chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.
Phong Hồng - Ất Mão (Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội)