Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV (tiếp theo và hết)

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành hơn 01 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017. Đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu đóng góp ý kiến về nội dung này.

Trong bài phát biểu của mình, đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội trong 06 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn xem xét những vấn đề còn hạn chế trong điều hành, quản lý, phân công, phân cấp, trong triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp cơ bản, đột phá nhằm khắc phục hạn chế, tạo bước bứt phá trong thời gian tới.


Đại biểu Nguyễn Văn Man, Chỉ Huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tập trung thắt chặt chi tiêu, kiểm soát đầu tư có hiệu quả; tích cực thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp; tăng cường quản lý Nhà nước về khoáng sản; giải quyết dứt điểm kiến nghị liên quan đến việc bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển; đầu tư kinh phí bảo vệ chống xuống cấp các di sản văn hóa... Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng cụ thể tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho người nông dân được tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại. Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư mở rộng cầu Gianh, cầu Dài, cầu Quán Hàu và xây dựng tuyến cao tốc từ Vũng Áng đi Vạn Ninh, nối với đường Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xử lý các tình huống ùn tắc khi sự cố xảy ra...

Cũng tại kỳ họp, để giải quyết nợ xấu, Quốc hội đã dành 02 buổi để thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong buổi thảo luận thứ nhất, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu thể hiện quan điểm đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Theo đại biểu, đây là giải pháp tốt nhất để thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu; khắc phục những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật trong thời gian qua về xử lý nợ xấu, ổn định được lòng dân, tạo niềm tin của người dân trước tình hình nợ xấu hiện nay. Đại biểu ví nợ xấu ví như "cục máu đông" trong “huyết mạch” của nền kinh tế. Sau khi phân tích và nêu một số ví dụ cụ thể, đại biểu cho rằng, việc Quốc hội ban hành nghị quyết là cần thiết, cấp bách nhằm tạo hành lang pháp lý để xử lý kịp thời nợ xấu, đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.

Tuy nhiên, theo đại biểu, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần phải nghiên cứu, đưa nội dung vấn đề này vào Luật. Để hoàn thiện Nghị quyết, đại biểu kiến nghị xem xét bổ sung, điều chỉnh một số nội dung quy định về thời hạn hiệu lực của Nghị quyết, vai trò và tầm quan trọng của tổ chức mua bán nợ VAMC, quyền của tổ chức tín dụng trong việc xác định tài sản thế chấp, trách nhiệm của người vay trong việc phải chấp nhận xử lý tài sản khi vi phạm hợp đồng.

Trong buổi thảo luận lần thứ 2, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục phát biểu đóng góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể. Đối với quy định tại Điều 4 về nợ xấu, đại biểu đồng tình với phương án 1: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại phụ lục về xử lý nợ xấu của Nghị quyết này. Đại biểu không đồng tình với phương án 2 khi cho rằng: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại phụ lục về nợ xấu của Nghị quyết và có dư nợ đến thời điểm 31/12/2016. Lý do để đại biểu không đồng tình với phương án 2 vì đã là nợ xấu thì nợ trước 31/12/2016 hay sau 2016 đều là nợ xấu. Nếu nợ xấu sau năm 2016 không được xử lý bằng Nghị quyết này thì xử lý theo quy định nào nếu chưa có luật quy định.

Đối với quy định về bán nợ xấu tại Điều 5, đại biểu đề nghị cần quy định việc bán tài sản xử lý nợ xấu phải căn cứ vào hợp đồng thế chấp và công khai minh bạch theo quy định của pháp luật, giá phù hợp với thị trường. Tại Điều 7 về thu giữ tài sản đảm bảo, đại biểu đồng tình với việc thu giữ tài sản đảm bảo không có tranh chấp, không kê biên trong các vụ án hình sự. Theo đại biểu, việc này không vi phạm quy định của Hiến pháp vì giữa bên vay và bên cho vay đã có thỏa thuận hợp đồng, đúng quy định của pháp luật.

Đối với quy định tại Điều 8 về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại Tòa án, đại biểu đồng tình với việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo nhằm giải quyết những vướng mắc trong xử lý tranh chấp. Theo đại biểu, đây là điểm quan trọng để gỡ nút thắt trong tổ chức tín dụng; nâng cao ý thức trách nhiệm của bên thỏa thuận đảm bảo, thực hiện vốn vay một cách có trách nhiệm, hiệu quả. Theo đó, người vay nếu rủi ro vi phạm hợp đồng thì buộc phải chấp nhận giao tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng theo hợp đồng đã thỏa thuận. Về điều khoản thi hành tại Điều 18, đại biểu cho rằng việc quy định thời hạn hiệu lực của Nghị quyết là 05 năm kể từ ngày 01/01/2017 là bất hợp lý, vì nợ xấu có thể kéo dài 05 năm, hơn 05 năm hoặc ngắn hơn 05 năm và đề nghị xem lại quy định về thời hạn hiệu lực nói trên một cách hợp lý hơn.

Cũng trong phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng đã phát biểu ý kiến tán thành với Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu chỉnh lý và góp ý thêm một số vấn đề liên quan. Trước hết, đại biểu đề nghị xác định lại thời điểm có hiệu lực của nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là phải 45 ngày sau ngày Quốc hội thông qua, chứ không phải là ngày 01/01/2017. Đối với khái niệm nợ xấu, đại biểu tán thành với phương án 1, Điều 4; tuy vậy, do quy định của Nghị quyết này có tính hồi tố nên đại biểu đề nghị cần phải quy định cụ thể việc áp dụng Nghị quyết này. Liên quan tới việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng tại Điều 14, đại biểu phân tích và đề nghị việc quy định về vấn đề này cần phải cân nhắc quy định ở Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm sự phù hợp.

Cùng với những nội dung trên, Quốc hội cũng dành thời gian để xem xét, thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong phiên thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đã có ý kiến phát biểu đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần chứ không sửa đổi Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII. Sau khi phân tích cơ sở pháp lý và tính thực tiễn của vấn đề, đại biểu cho rằng việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần là cần thiết và cần giao cho Chính phủ rà soát, đánh giá tác động, cân đối khả năng để thực hiện tiến độ tùy theo tình hình cụ thể.

Đối với hoạt động chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, Đoàn đã có 02 ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 01 ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; 01 ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế; ngoài ra, còn 01 ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được chuẩn bị nhưng vì không còn thời gian nên không thực hiện được. Các ý kiến chất vấn đã chú trọng đề nghị các thành viên được chất vấn làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trước vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc và kiến nghị nhiều lần, như: Những bất cập, hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước về hàng hóa vật tư nông nghiệp; về sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản; về triển khai thực hiện mô hình liên kết 04 nhà trong nông nghiệp; sự xuống cấp của các di tích lịch sử văn hóa; vấn đề hướng dẫn viên du lịch chui ngày càng phổ biến; đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở; về bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm y tế…

Đối với công tác xây dựng Luật, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã tham gia thảo luận đóng góp ý kiến. Mặc dù vào thời điểm cuối kỳ họp nhưng các đại biểu vẫn tích cực nghiên cứu tài liệu để tiếp tục có những ý kiến góp ý nhằm góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dự án Luật; trong đó, đại biểu Nguyễn Văn Man, Chỉ Huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong 02 ngày liên tục đã có 02 bài phát biểu góp ý đối với dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy lợi (sửa đổi).

Bên cạnh các hoạt động trên, trong suốt thời gian dự họp, các ĐBQH tỉnh Quảng Bình còn tham gia một số hoạt động quan trọng khác, như: Trả lời phỏng vấn báo chí, tham gia một số buổi đối thoại trên kênh truyền hình VTV1 và VOV, tham dự phiên họp do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; giao lưu tiếp xúc, trao đổi thông tin với đại biểu các đoàn, lãnh đạo các Bộ, ngành để duy trì và mở rộng mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ tỉnh nhà.
Sáng ngày 21/6/2017, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức bế mạc, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình trở về địa phương để tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Theo Quang Binh Portal