Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Võ Minh Doang, TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh chủ trì và điều hành hội nghị. Tham dự có đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã.
Toàn cảnh hội nghị. |
Hội nghị đã được nghe và nghiên cứu các tham luận của Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện thành phố, thị xã với chủ đề: Tăng cường phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Các tham luận đã minh chứng khá sâu sắc, sinh động những kết quả đạt được trong quá trình phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND và UBND trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND các cấp.
Hội nghị cũng đã nêu lên nhiều kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam sau khi Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống. Trong đó quy định cụ thể, rạch ròi hơn về cơ chế, điều kiện phối hợp giữa các Thường trực HĐND và UBND cùng cấp trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tăng cường bộ máy tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho HĐND cấp huyện, cấp xã nhằm bảo đảm cho HĐND hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, đây là một chủ đề khá mới, yêu cầu thực tiễn cao. Từ thực tiễn hoạt động, các báo cáo tham luận đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn trong quá trình thực hiện mối quan hệ phối hợp nhiệm vụ giữa Thường trực HĐND và UBND của từng địa phương.
Trong đó, Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND cùng cấp cần tích cực chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp công tác ngay từ đầu nhiệm kỳ, quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung phối hợp thực hiện nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Khi xem xét những nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND và UBND cùng cấp cần phối hợp chặt chẽ từ việc phân công cơ quan tham mưu nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp số liệu, dự báo tình hình... Để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND và UBND cần xem xét và tính toán kỹ nguồn lực để thực hiện.
Đối với những vấn đề phát sinh phức tạp về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác đối ngoại, có tác động lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của đông đảo nhân dân cần phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tranh thủ ý kiến của các cơ quan nhà nước cấp trên, ý kiến phản biện của các nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực cần giải quyết... Cần xác định rõ nguyên tắc phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND cùng cấp dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để mỗi cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát huy tốt vai trò của Văn phòng tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho HĐND và UBND, vai trò thẩm tra của các ban HĐND để Thường trực HĐND và UBND giải quyết đúng thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước cấp trên giải quyết theo đúng quy định...
Sau hội nghị này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tổng hợp đầy đủ những kiến nghị của Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã và nghiên cứu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi luật và các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Theo Báo Quảng Bình