Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo của các Bộ liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Ngân hàng Thế giới… về thực trạng dịch vụ logistics tại Việt Nam; kiến nghị, đề xuất Chính phủ giải pháp để hoạt động logistics, kinh doanh vận tải thuận lợi, hiệu quả nhất.
Dịch vụ logistics Việt Nam bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải từ những năm 1986. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14 -16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao; theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, gần cao nhất trên thế giới, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do vậy, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung, vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất các giải pháp làm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; hợp tác với đối tác nước ngoài, mở rộng kết nối hạ tầng logistics; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ do đó trong thời gian tới cần phải giảm chi phí logistics; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu; phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước phù hợp; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng của khu vực; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics; các ngành cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics cụ thể; Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay thủ tục không cần thiết, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm; các địa phương cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông Quốc gia, cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại; Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng liên quan căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao; doanh nghiệp logistics chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ. Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải và Văn phòng Chính phủ tổng hợp và tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, các đại biểu tại hội nghị đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực, thế giới.
Theo Quang Binh Portal