Hội nghị trực tuyến tổng kết Luật Dân quân tự vệ

Sáng ngày 30/11/2017, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ (DQTV) năm 2009 do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì. Về phía điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Sau khi Luật DQTV được ban hành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã chỉ đạo triển khai toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV được nâng lên, đặc biệt là DQTV thường trực, cơ động và dân quân biển. Lực lượng DQTV đã phối hợp có hiệu quả với Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư trong bảo vệ chủ quyền Quốc gia, biên giới đất liền biển, đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng thủ dân sự, tham gia tích cực trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tổng số DQTV toàn quốc đạt trên 1,4% dân số cả nước, tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt trên 20%. Công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, huấn luyện DQTV được thực hiện thường xuyên, chú trọng huấn luyện dân quan tự vệ thường trực tuyến biên giới, biển, đảo, các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

Đối với tỉnh Quảng Bình, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã huy động trên 82.000 lượt DQTV với gần 412.000 ngày công lao động thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hiện tại, 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh đều được bố trí thôn đội trưởng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và Công an trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các dịp lễ, Tết...

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về những vướng mắc, bất cập của Luật DQTV năm 2009, đồng thời đề xuất ý kiến nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Luật DQTV, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, phù hợp yêu cầu trong tình hình mới như: Việc cần thiết trình Quốc hội ban hành Luật DQTV mới phù hợp với điều kiện hiện nay, xem xét những điểm bất cập của Bộ Luật khi chưa có sự thống nhất đồng bộ với Hiến pháp năm 2013 và những Luật có liên quan; vấn đề về độ tuổi của cán bộ DQTV, DQTV chưa rõ ràng; giải quyết chế độ, chính sách cho DQTV...

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Để Dự án Luật DQTV (sửa đổi) hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, đồng chí đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tiếp tục đóng góp những ý kiến vào Dự án Luật trên quan điểm bảo đảm DQTV đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương… Quá trình xây Dựng dự án Luật DQTV (sửa đổi) phải cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 thống nhất với Luật Quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của Luật DQTV năm 2009 đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy phù hợp, đồng thời bổ sung những quy định mới để giải quyết những vấn đề về công tác DQTV đặt ra trong tình hình mới; nghiên cứu những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các nhóm giải pháp, kiến nghị, đề nghị được rút ra từ tổng kết 08 năm thực hiện Luật DQTV hiện hành bảo đảm tính thực tiễn; tính công khai, dân chủ, minh bạch, dễ tiếp cận và có tính khả thi cao.

Theo Cổng thông tin điện tử Quảng Bình