Dự án SRI do Chính phủ Úc tài trợ và được Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV phối hợp với Sở NN&PTNT của 02 tỉnh Quảng Bình và Bình Định triển khai thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015. Mục tiêu của Dự án là nhằm hỗ trợ, xây dựng năng lực cho hộ nông dân trồng lúa và các cơ quan liên quan để giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính và cải thiện lợi ích cho hộ dân từ việc trồng lúa thông qua việc sản xuất lúa theo quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI. Qua hơn 02 năm triển khai, Dự án đã áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI cho trên 2.500 héc ta cây trồng ở tỉnh Quảng Bình và Bình Định với hơn 10.000 hộ nông dân trực tiếp tham gia. Riêng tại tỉnh Quảng Bình, Dự án SRI đã triển khai trên tổng diện tích gần 900 héc ta lúa, trong đó vụ Đông Xuân 2012-2013 là 500 héc ta và vụ Hè Thu gần 400 héc ta tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn. Qua đánh giá của các ngành chức năng và chính mỗi hộ nông dân thì việc sản xuất lúa theo quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI đã giảm chi phí trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt thông qua Dự án đã xây dựng các mô hình năng lượng tái tạo sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa, từng bước hình thành chuỗi giá trị lúa gạo sạch SRI. Về đánh giá giảm thiểu biến đổi khí hậu, Dự án đã góp phần giảm từ 26 - 32% tiềm năng sinh khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những tác động của Dự án đối với sản xuất lúa gạo bền vững như: Giảm lượng giống sạ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, quản lý phòng trừ sâu bệnh và các quy trình kỹ thuật khác. Các đại biểu cũng thống nhất Dự án cần mở rộng diện tích để vừa nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất lúa gạo vừa góp phần giảm các tác động ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Theo Website Quảng Bình