Họp Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Sáng ngày 02/4/2015, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tổ chức họp để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì buổi họp.

Thời gian qua, đặc biệt trong năm 2014, cùng với nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại các địa phương trong tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến không ngừng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 170.000/220.000 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ gần 78%; có 745/1.269 thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa. Ngay từ đầu năm, BCĐ các cấp đã có nhiều biện pháp tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào. Trên cơ sở đó, BCĐ cơ sở đã cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt các nội dung, tiêu chí bình xét danh hiệu thôn, bản, khu phố văn hóa. Các địa phương cũng đã phát huy khá tốt tính tự nguyện, tự quản trong phong trào, xem đây là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, củng cố, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh. Cùng với đó, việc kiểm tra, bình xét cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã được Phòng Văn hóa Thông tin, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kịp thời. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 883/1.285 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Phát biểu tại buổi họp, Trưởng BCĐ Phong trào ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thời gian qua. Để Phong trào tiếp tục phát huy tính lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ phải gắn chặt với Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, BCH Trung ương Đảng khóa XI với nội dung "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; các hoạt động tuyên truyền đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, động viên toàn dân tự giác tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, đồng thời gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa... Trưởng BCĐ Phong trào cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương nghiên cứu nâng cao mức đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho các phong trào, tương xứng với tăng trưởng kinh tế hàng năm, ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa ở cơ sở tại các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các xã chuẩn bị về đích xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, trong đó cần chú trọng đến công tác bình xét, công nhân danh hiệu văn hóa nhằm đưa phong trào trở thành một cuộc vận động lớn, quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Website Quảng Bình