Họp Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh Quảng Bình

Ngày 17/6/2014, Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh Quảng Bình tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động thực hiện sáng kiến REDD+ đến tháng 6/2014. Đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ Quảng Bình chủ trì buổi họp.

Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng kinh phí hơn 4,4 triệu USD. Dự án được triển khai thực hiện tại 03 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Đắk Nông trong thời gian 03 năm (2013-2015). Dự án REDD+ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu thông khí của trái đất thông qua các nỗ lực bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững và phát triển tài nguyên rừng tại các nước đang phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế. 

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Dự án thực hiện sáng kiến REDD+ đã hoàn thiện các công việc mang tính kỹ thuật để báo cáo tiềm năng thực hiện REDD+ lồng ghép cấp hành chính địa phương tại Quảng Bình như: Các phương pháp tiếp cận mang tính pháp lý đối với REDD+; phương pháp tiếp cận kỹ thuật, xác minh thực địa, phân loại hình ảnh thảm thực vật thông qua ảnh vệ tinh, tổng hợp kết quả phân tích diễn biến rừng qua các thời kỳ; tổng hợp điều tra sinh khối rừng tính toán trữ lượng carbon của tỉnh; xác định các mối đe dọa tài nguyên rừng; các kết quả phân tích REDD+ ở cấp hành chính địa phương; xu hướng cơ sở ở các địa phương và các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh; chi phí tài chính và đánh giá tiềm năng cho giảm phát thải, đánh giá rủi ro, không chắc chắn về tính hiệu quả khi tham gia thị trường bán tín chỉ carbon....

Đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức kiện toàn bộ máy Ban Quản lý Dự án, chọn địa điểm triển khai thực hiện thí điểm Dự án REDD+ tại 02 xã: Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) và Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), đồng thời lựa chọn Công ty TNHH MTV LCN Long Đại để hỗ trợ xây dựng Chương trình thí điểm nghiên cứu đề xuất ý tưởng cung cấp dịch vụ REDD+ và các dịch vụ môi trường rừng Quốc gia. Ban Quản lý Dự án cũng đã lên kế hoạch tổng thể về đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho cán bộ các cấp, các ngành có liên quan, các chủ rừng và người dân trong vùng Dự án.

Phát biểu tại buổi họp, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự giúp đỡ của Tổ chức FCPF Trung ương trong việc triển khai thực hiện sáng kiến REDD+ tại Quảng Bình. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị hợp phần GIZ (thuộc Dự án Phong Nha - Kẻ Bàng) hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm tập huấn sử dụng phần mềm ArCGIS để kế thừa các loại bản đồ do GIZ chuyển giao vào việc kiểm kê rừng và quản lý bảo vệ rừng; Tổ chức GIZ tiếp tục tìm kiếm các nguồn tài trợ cho việc sẵn sàng thực hiện REDD+ trên địa bàn tỉnh và giúp tỉnh Quảng Bình tiếp cận thị trường carbon tự nguyện. Trưởng Ban Chỉ đạo giao Ban Quản lý Dự án chủ trì phối hợp với FCPF Trung ương xây dựng kế hoạch và chương trình thực hiện Dự án trong thời gian 03 năm; đồng thời tổ chức học hỏi, đào tạo cán bộ để bố trí nhân sự cho Dự án...

Theo Website Quảng Bình