Đồng chí Hoàng Đăng Quang: Trong điều kiện của một tỉnh có nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, nội lực hạn chế, chưa thu hút được các dự án lớn, có tính động lực để có thể bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ này là “huy động mọi nguồn lực, quyết tâm phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững”. Đại hội đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp một cách toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó xác định phát triển công nghiệp là ngành trọng điểm mang tính động lực phát triển của nền kinh tế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là hướng phát triển chủ đạo của tỉnh trong 5 năm tới. Đồng thời đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tăng cường liên kết vùng. Tích cực thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý và khai thác có hiệu quả các tiềm năng về đất đai, khoáng sản. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển trong thời kỳ mới. Đặc biệt, Đại hội nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các dự án lớn, có tính động lực và các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là giải pháp có tính cấp bách, đặc biệt quan trọng để tạo được cú hích cho toàn bộ nền kinh tế.
Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp về kinh tế, theo đồng chí trong thời gian tới Quảng Bình cần tập trung những giải pháp nào cho công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ?
Đồng chí Hoàng Đăng Quang: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là khâu then chốt để đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững. Vì thế, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra các giải pháp để tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang cho ý kiến để ban hành chương trình hành động nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong đó tập trung vào các giải pháp như: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ có trình độ, có năng lực thực tiễn và đội ngũ trí thức trẻ. Coi trọng bố trí cán bộ đứng đầu các ngành, lĩnh vực trọng yếu, tạo bứt phá cho sự phát triển. Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Định kỳ, cấp ủy xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng cán bộ trong mọi tình huống. Chú trọng toàn diện cả luân chuyển và điều động cán bộ; kết hợp luân chuyển với chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện và có cơ hội trưởng thành, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành, địa phương, đơn vị. Quản lý chặt chẽ, toàn diện đội ngũ cán bộ theo phân cấp quản lý; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có vi phạm; kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.
Ban hành Quy định cụ thể về tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ và Quy chế bổ nhiệm làm căn cứ để đánh giá, xem xét, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Tiến hành thí điểm, tiến tới triển khai đồng bộ việc tuyển chọn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được đào tạo cơ bản, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tạo môi trường dân chủ, công bằng trong tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn cử sinh viên, cán bộ giỏi đi đào tạo trình độ sau đại học ở các lĩnh vực quan trọng, cần thiết; sửa đổi chính sách thu hút, đào tạo nhân tài phù hợp với giai đoạn mới, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển; có chính sách ưu tiên cho đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao, coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ cao. Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng cơ chế, chính sách, môi trường làm việc để khuyến khích con em Quảng Bình về địa phương công tác. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường, lớp đào tạo nghề cần thiết, có chất lượng. Phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp, bảo đảm cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo.
Phóng viên: Thu hút đầu tư đang được nhiều địa phương coi là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Vậy quan điểm của tỉnh về vấn đề này như thế nào và Quảng Bình đang có những chính sách gì để thu hút đầu tư?
Đồng chí Hoàng Đăng Quang: Quảng Bình là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng… cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ như sân bay, cảng biển nước sâu, đường bộ, đường sắt, đây chính là những động lực để thúc đẩy kinh tế Quảng Bình phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần có nguồn vốn rất lớn để có thể khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, tỉnh rất chú trọng thu hút vốn từ các nhà đầu tư. Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, NGO, tỉnh cũng huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo các phương thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), PPP (đối tác công - tư)...; huy động nguồn vốn trong Nhân dân, các doanh nghiệp để thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nông thôn, xã hội hoá các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin và thể dục - thể thao. Để hỗ trợ cho nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến gia nhập thị trường, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất, nộp thuế, kê khai hải quan. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu chi phí nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm thị trường tiêu thụ. Nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, tín dụng, viễn thông, vận tải hàng không, vận tải biển, tư vấn pháp luật; giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư và tín dụng, về mặt bằng sản xuất, về tư vấn kỹ thuật và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hệ thống cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt như trên sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Quảng Bình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn đồng chí!
Trọng Lãnh (Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập)