Dự lễ khai mạc có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV); Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cùng hàng trăm phật tử và đông đảo người dân huyện Lệ Thủy.
Các đại biểu tham dự lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc lần thứ nhất năm 2016
Tại lễ khai mạc, đại diện lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy đã ôn lại lịch sử hình thành và tồn tại của chùa Hoằng Phúc. Theo đó, chùa được hình thành cách đây 715 năm và là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất khu vực miền Trung. Với vị trí tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy), chùa đã trải qua nhiều tên gọi ban đầu là am Tri Kiến, chùa Kính Thiên hay tên gọi dân gian như chùa Quan, chùa Trạm. Nơi đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến kinh lý phía Nam đã đến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo vào năm 1301. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, chùa Hoằng Phúc cũng in dấu tích của các đời vua, chúa ngự giá như chúa Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị và nhiều lần bị thiên tai, chiến tranh tàn phá và đã được các thế hệ người Việt trùng tu, phục dựng. Hiện nay, chùa còn lưu giữ một số hiện vật, gồm có: Mõ, đại hồng chung bằng đồng nặng 80 kg được khắc chạm với nhiều hoa văn tinh xảo, các pho tượng Phật, lư hương, đế đèn, bình hoa, tòa sen… Với những giá trị lịch sử ấy, chùa Hoằng Phúc đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 01/6/2010 và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 09/12/2015.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc là điểm du lịch địa phương cho UBND huyện Lệ Thủy
Trong không khí trang trọng của lễ khai mạc đã diễn ra nhiều hoạt động như lễ công bố Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc là điểm du lịch địa phương, đồng thời công bố quyết định về việc giao Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, quản lý điều hành hoạt động Phật sự tại chùa.
Việc tổ chức lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc lần thứ nhất năm 2016 nhằm tôn vinh, tưởng nhớ đến Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị hoàng đế anh minh, người sáng lập trường phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Thông qua đó để tạo tiền đề cho việc tổ chức các lễ hội thường niên sau này, góp phần xây dựng tín ngưỡng văn hóa lành mạnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
Đồng chí Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đánh trống khai mạc lễ hội
Trong khuôn khổ lễ khai mạc, lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ tâm linh và nghi lễ theo nghi thức Phật giáo như: Lễ rước nước với sự tham gia của 06 đội bơi rước nước từ vực An Sinh, xã Văn Thủy về bến đò chợ Trạm; lễ phóng sinh; hành lễ theo nghi thức Phật giáo; lễ thuyết pháp; lễ thả 3.000 đèn hoa trên bến đò chợ Trạm. Bên cạnh đó, một số hoạt động văn hóa - thể thao được tổ chức phong phú, hấp dẫn, gồm có hò khoan Lệ Thủy, múa phương, tướng, long hổ, hội bài chòi, hội kéo co, giải đấu cờ tướng, giao hữu bóng chuyền…
Theo Quang Binh Portal