Toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở dạy nghề, trong đó 03 Trường Trung cấp nghề, 09 Trung tâm dạy nghề và 15 cơ sở dạy nghề khác có đăng ký hoạt động dạy nghề. Tính đến hết năm 2014, mạng lưới cơ sở dạy nghề đã tương đối hoàn thiện, năng lực, quy mô đào tạo được nâng cao. Đặc biệt, trong năm qua, 03 đơn vị, gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp dạy nghề và Trung tâm Dạy nghề cấp huyện, thành phố, thị xã được sát nhập, tạo sự chuyển biến đáng kể của hệ thống cơ sở dạy nghề, giúp địa phương trên địa bàn có cơ sở dạy nghề trực thuộc chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong năm 2014, kết quả tuyển sinh là 12.547 học sinh, đạt 80% kế hoạch năm, trong đó Trung cấp nghề 414 học sinh, Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 12.133 học sinh; tốt nghiệp nghề là 12.298 học sinh, chiếm 81% kế hoạch năm, cụ thể Trung cấp nghề 503 học sinh, Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 11.795 học sinh. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể, địa phương cũng đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng tương đương đào tạo nghề cho người lao động, đưa tổng số người lao động qua đào tạo nghề bổ sung vào hoạt động trong các ngành kinh tế là 15.230 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2014, công tác dạy nghề vẫn gặp một số tồn tại, vướng mắc, đó là: Tuyển sinh học nghề còn đạt thấp so với kế hoạch, việc đào tạo nghề đặc thù được khuyến khích như “Thuyền viên tàu đánh cá biển” chưa thực hiện được, chất lượng đào tạo nghề còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo tại địa phương, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề chiếm tỷ lệ ít so với nhu cầu đăng ký học nghề. Bên cạnh đó, việc khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, kết quả tự giải quyết việc làm và sử dụng nghề sau đào tạo ở các địa phương chưa thực hiện chính xác, kịp thời…
Thời gian tới, để công tác đào tạo nghề hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, Sở LĐ-TB&XH thống nhất đề ra một số mục tiêu cụ thể như: Tuyển sinh dạy nghề 13.550 người, trong đó Cao đẳng nghề 250 học sinh, Trung cấp nghề 800 học sinh, Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 12.500 học sinh; bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người khuyết tật 5.000 người theo đúng đối tượng, chính xác và phù hợp nhu cầu của địa phương và bản thân người học; phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm đạt 35,5%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dạy nghề năm 2014. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trong đó đặc biệt ở cấp xã đối với công tác dạy nghề; tiếp tục thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng người lao động rộng rãi; quy hoạch lại hệ thống giáo dục - đào tạo nghề tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh, nhất là bổ sung đội ngũ trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương cần triển khai tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người khuyết tật, phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục - đào tạo để bảo đảm dào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh việc tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh...
Theo Quảng Bình Portal