NHNN Chi nhánh Quảng Bình tích cực hỗ trợ kinh phí cho các ngư dân đóng mới,
cải hoán tàu cá tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa
Trong năm qua, kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn có những chuyển biến rõ nét, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và hộ dân sản xuất kinh doanh trong tỉnh giảm bớt khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 02 của Chính phủ như: Giảm 1,5-2,5%/năm lãi suất cho vay, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 871 doanh nghiệp, trong đó có hơn 815 doanh nghiệp được vay mới 5.255 tỷ đồng, trên 65 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ 2.632 tỷ đồng; lãi suất các khoản vay cũ được điều chỉnh về mức hợp lý...
Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ tín dụng đạt 22.931 tỷ đồng, tăng 20,0% so với cuối năm 2013, vượt 33,3% kế hoạch (kế hoạch tăng 15%, toàn quốc tăng khoảng 13%); cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và đối tượng chính sách. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhiều giải pháp huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động đạt 20.433 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cuối năm 2013, vượt 20,5% kế hoạch (kế hoạch tăng 20%, toàn quốc tăng 16,31%), trong đó tiền gửi dân cư đạt 16.797 tỷ đồng, chiếm 82,2%, tăng 28,4% so với cuối năm 2013. Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đã theo đúng tôn chỉ, mục đích đảm bảo an toàn và ngày càng có uy tín với cộng đồng dân cư địa phương. Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát được tiến hành tích cực, phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm và đưa ra 105 kiến nghị yêu cầu các đơn vị khắc phục...
Để hoàn thành mục tiêu, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam năm 2015 đã đề ra, ngoài việc tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, HĐND tỉnh và Thống đốc NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh Quảng Bình triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Nguồn vốn huy động tăng 19-21%, dư nợ tín dụng tăng 16-18%; hướng dẫn các TCTD có các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình của các TCTD; đẩy mạnh quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định về kinh doanh ngoại hối, vàng... Cùng với đó, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các TCTD tích cực đẩy mạnh huy động nguồn vốn, đặc biệt là vốn có kỳ hạn dài để chủ động cho vay, đáp ứng nhu cầu tín dụng tại địa phương; kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống; đồng thời tập trung vốn ưu tiên vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thủy sản, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hộ nghèo, đối tượng chính sách...
Theo Website Quảng Bình