Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại từ tháng 7/2010 theo Quyết định của UBND tỉnh. Từ khi chuyển đổi đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh, công tác quản lý, bảo vệ và trồng mới rừng của Công ty luôn được giữ vững. Xác định xây dựng và phát triển vốn rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn được ổn định, phát triển bền vững, thời gian qua, Công ty luôn tích cực thực hiện công tác rừng nguyên liệu. Năm 2014, đơn vị trồng được 1.282,03 ha rừng nguyên liệu, nâng tổng diện tích rừng trồng nguyên liệu của toàn Công ty từ trước đến nay lên 6.000 ha; trồng mới 3.200 rừng thông; chuyển đổi diện tích thông nhựa kém hiệu quả, rừng nghèo kiệt sang trồng 1.920,18 ha cao su; trồng 499 ha cây rừng bản địa. Là một trong những Công ty lâm nghiệp đi đầu trong việc tiếp cận, thực hiện việc quản lý rừng bền vững theo các tiêu chuẩn Quốc tế, từ năm 2010 - 2014, đơn vị đã khai thác 30.614 m3 gỗ rừng tự nhiên, đạt 100% kế hoạch… Thực hiện Quyết định số 1330/QĐ-UBND ngày 12/6/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, Công ty đã tiến hành sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tin gọn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển chung, điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã yêu cầu Công ty làm rõ một số nội dung liên quan đến các vấn đề như công tác phối hợp với các chính quyền địa phương trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng; hỗ trợ ban đầu đối với hộ dân, người lao động nhận khoán trồng rừng; thu nhập bình quân của người lao động tại Công ty; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm UBKTQH đánh giá cao những kết quả đạt được và quá trình chuẩn bị tái cơ cấu của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại. Đồng chí cho rằng những vấn đề đặt ra hiện nay của Công ty đó là cần đổi mới mô hình; chọn được phương thức huy động vốn, đảm bảo nguồn vốn trong quá trình phát triển; áp dụng công nghệ mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tìm được khâu đột phá trong quá trình tái cơ cấu của mình… Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm UBKTQH cũng cho rằng Công ty có nhiều lợi thế trong việc chế biến các sản phẩm tại Nhà máy để tiêu thụ, do đó doanh nghiệp cần phát huy ưu thế, lấy công nghiệp hỗ trợ lâm nghiệp nhằm phát triển. Đối với các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Công ty, đồng chí hứa sẽ trao đổi thêm với các đơn vị có thẩm quyền và xem xét. Phó Chủ nhiệm UBKTQH hy vọng trong quý II/2015, Đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp được phê duyệt và Công ty sẽ tạo ra điểm sáng trong lĩnh vực lâm, công nghiệp kết hợp của tỉnh...
Theo Quang Binh Portal