Quảng Bình: Sử dụng hiệu quả ưu thế nguồn nhân lực địa phương

Dân số Quảng Bình hiện có hơn 863.350 người, trong đó có 559.504 người trong độ tuổi lao động, chiếm 64,56% tổng dân số và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33%, đạt 103,12%. Với nguồn nhân lực dồi dào và các chủ trương, chính sách mời gọi đầu tư theo hướng “mở” của tỉnh sẽ là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Quảng Bình trong thời gian tới.

Quảng Bình là tỉnh có tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao hơn so với dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Cơ cấu kinh tế Quảng Bình đã có bước phát triển đúng hướng, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó việc giảm tỷ trọng lao động nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỷ trọng của lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh phấn đấu xây dựng nơi đây trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là giải pháp cơ bản để đảm bảo việc làm cho người lao động trước nhu cầu hội nhập và sự cạnh tranh, phát triển về an sinh xã hội lâu dài.

Trong những năm qua trình độ học vấn của lao động tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, tạo thuận lợi cho việc tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành các khu công nghiệp đã và đang tạo điều kiện nhuận lợi cho người lao động địa phương vào làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế lợi thế về nguồn nhân lực lao động trên địa bàn tỉnh chưa được tận dụng có hiệu quả. Mặc dù nhu cầu sử dụng lao động là rất lớn, nguồn lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm lại không cao. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trên địa bàn cũng chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với lực lượng lao động địa phương và đưa ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực hiệu quả và hợp lý...

Để giải quyết bài toán quy hoạch nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Bình đang huy động mọi nguồn lực đầu tư và phát triển, các dự án cụm công nghiệp tập trung, đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông nghiệp - nông thôn; khôi phục và phát triển làng nghề, kinh tế trang trại… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xuất khẩu lao động ra nước ngoài, xem đó không chỉ là giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn tạo điều kiện cho việc tiếp cận công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng lao động; đồng thời có quy hoạch, đầu tư các ngành kinh tế thế mạnh; phát triển các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh để thu hút nhiều lao động như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nuôi trồng, chế biến nông, lâm sản; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục bổ sung Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp - khu du lịch sinh thái - làng nghề… để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tạo nhu cầu, thị trường nhằm tăng dần tỷ trọng lao động trong công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư…

Theo Website Quảng Bình