Quốc hội và các bộ, ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri Quảng Bình và đã tổng hợp gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Sau đây là tóm tắt một số nội dung trả lời xin được thông tin đến cử tri :

- Cử tri kiến nghị khi trình Quốc hội sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng cần chú ý điều chỉnh để bảo đảm công bằng, quan tâm đến cấp cơ sở và người lao động sản xuất trực tiếp.

- Bộ Nội vụ trả lời: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã được thông qua, mọi tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều được tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo quy định.

Tại các điều 42, 43, 44, 71, 72 cũng quy định rõ việc khen thưởng Huân chương Lao động, bằng khen Chính phủ, bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương đối với công nhân, nông dân, người lao động có phát minh, sáng chế, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả, được các cấp có thẩm quyền công nhận.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Việc quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động sẽ được hướng dẫn trong Nghị định.

- Cử tri kiến nghị Chính phủ cần đầu tư nâng cấp hệ thống đường sắt Bắc - Nam để đáp ứng nhu cầu đi lại nhằm giảm lưu lượng xe khách, hạn chế tai nạn giao thông.

- Bộ Giao thông vận tải trả lời: Hiện Bộ đang tập trung các nguồn lực để phát triển đường sắt Bắc-Nam theo hướng: ưu  tiên nâng cấp, hiện đại hoá tuyến đường sắt bắc Nam nhằm khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có bảo đảm tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h đối với tàu hàng; nghiên cứu xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1435mm, điện khí hoá trên trục Bắc-Nam.

Hiện nay các dự án đang triển khai đầu tư và bảo đảm an toàn như: nâng cấp cải tạo cầu yếu, gia cố sửa chữa các hầm trên đèo Hải Vân, thay thế tà vẹt K1, K2, thí điểm sử dụng ray hàn liền; triển khai kế hoạch lập lại hành lang an toàn giao thông đường sắt, xây dựng hệ thống thông tin với đường trục cáp quang và các thiết bị truyền dẫn, tổng đài kỹ thuật số...

- Cử tri kiến nghị khi sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét các nội dung phù hợp với tình hình chung và tuân thủ Hiến pháp để tránh tình trạng vi hiến, giao đất thổ cư cho dân sử dụng lâu dài, xử lý các dự án treo gây lãng phí đất, quy định rõ về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, nâng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, quy định hạn mức giao và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, thu hồi đất của người đã chết hoặc không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp...

- Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trả lời: Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 được thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã cụ thể hoá các nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai được quy định trong Hiến pháp: tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; khẳng định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cụ thể hoá và bảo đảm quyền của người sử dụng đất...

Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã quy định:

- Về giao đất sử dụng lâu dài: tại Điều 125 quy định cụ thể 11 trường hợp người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong đó đã có trường hợp như kiến nghị của cử tri.

- Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất và xử lý các dự án treo gây lãng phí đất đã được quy định cụ thể tại Chương VI, mục 1, mục 2 và cụ thể từ Điều 61 đến Điều 87.

- Về thời hạn và hạn mức giao đất nông nghiệp và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp: đã được quy định tại Điều 126, 129, 130 và các điều có liên quan tại mục 1, mục 2 chương X về chế độ sử dụng các loại đất.

- Về thu hồi đất của người đã chết hoặc không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Điều 65; trường hợp cấp đất cho những người sinh sau 10-1993 đã quy định cụ thể tại Điều 52, Điều 54 chương V.

- Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần có biện pháp tăng cường vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, để giảm tải đường bộ nhằm giảm bớt tiêu cực và tai nạn giao thông.

- Bộ Giao thông vận tải trả lời: Nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường sắt, giảm tải cho đường bộ, hiện nay Bộ GTVT đã và đang thực hiện các biện pháp sau:

- Giao Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện đề án tổ chức vận tải container  bằng đường sắt tuyến đường sắt Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai nhằm giảm tải cho các tuyến quốc lộ 5, quốc lộ 70.

- Xây dựng phương án kết nối đường sắt vào các cảng biển nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt;

- Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa của các tuyến đường sắt như sau:

+ Thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai;

+ Xây dựng quy hoạch chi tiết hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam để nâng cấp và hiện đại hóa tuyến đường sắt này nhằm nâng cao thị phần vận tải bằng đường sắt, trong đó có vận tải hàng hóa bằng đường sắt theo chiến lược và quy hoạch phát triển đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt.

- Cử tri kiến nghị:

1. Việc điều trị bệnh tại các bệnh viện hiện nay lượng thuốc không bảo đảm, nhất là thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, buộc người bệnh phải  mua thêm thuốc ngoài. Đề nghị có chính sách bảo đảm đủ thuốc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân tham gia BHYT.

2. Khi sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cần quan tâm đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm như: lựa chọn tuyến khám chữa bệnh, dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh... Đề nghị cho thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng 100% khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Bộ Y tế trả lời:

1. Hiện nay danh mục thuốc đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh ban hành kèm thông tư 31/2011/TT-BYT ngày 11-7-2011 có 900 hoạt chất thuốc tân dược với 1.143 hợp chất, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu. Danh mục thuốc này rất phong phú, đa dạng về chủng loại và số lượng thuốc ung thư, kháng sinh, tim mạch, mắt, tai mũi họng, da liễu, lao... để bác sĩ có sự lựa chọn thuốc điều trị cho người bệnh phù hợp với tính chất chuyên môn và tuyến điều trị. Đồng thời còn có 127 chế phẩm thuốc y học cổ truyền và 300 vị thuốc y học cổ truyền (ban hành kèm thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29-4-2010).

Ngoài ra Quỹ BHYT còn thanh toán 50% chi phí thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục thuốc quy định nhưng được phép lưu hành ở Việt Nam thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng cho các đối tượng tham gia BHYT đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14-8-2009. Hiện nay Bộ Y tế đang rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc này với mục tiêu mở rộng tuyến sử dụng tới các bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; bổ sung các thuốc cần thiết cho nhu cầu điều trị; rà soát để loại bỏ các thuốc có chi phí điều trị lớn nhưng hiệu quả điều trị không rõ ràng; xây dựng danh mục thuốc phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu điều trị và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

Về phản ánh lượng thuốc không đủ để bảo đảm cho bệnh nhân khám chữa bệnh: hàng năm Bộ Y tế, mà cụ thể là Cục quản lý Dược đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc có kế hoạch cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, nhất là bệnh nhân tham gia BHYT. Đến nay Bộ chưa nhận được báo cáo của đơn vị nào về việc thiếu thuốc cung ứng cho bệnh nhân BHYT do khâu cung ứng thuốc.

2. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan tâm đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm như: việc lựa chọn tuyến khám chữa bệnh, dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh... và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII này.

Về việc đề nghị cho thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng 100% khi đi khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan dự thảo sửa đổi bổ sung theo hướng:

- Giảm mức cùng chi trả chi phí KCB BHYT của thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ từ 20% xuống còn 0%.

- Giảm mức cùng chi trả chi phí KCB BHYT của thân nhân người có công với cách mạng khác từ 20% xuống còn 5%.

Tuy nhiên trong thực tiễn, một số đối tượng vẫn gặp khó khăn khi cùng chi trả một phần chi phí khi khám chữa bệnh ở các tuyến bệnh viện huyện như người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người thuộc diện bảo trợ xã hội. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1-3-2012, trong đó Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo sẽ hỗ trợ tiền ăn, tiền vận chuyển người bệnh từ nhà tới cơ sở y tế và từ cơ sở y tế về nhà; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh BHYT cùng chi trả khi chi phí đồng chi trả từ 100.000đ trở lên cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người thuộc diện bảo trợ xã hội.

Theo Báo Quảng Bình