(Ảnh: sưu tầm internet)
Thông tư áp dụng đối với người lái xe, người sử dụng lao động lái xe ô tô, các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, kể từ ngày 10/10/2015, sức khỏe của người lái xe sẽ được phân theo bảng tiêu chuẩn thuộc 09 chuyên khoa, chia thành 03 nhóm: Nhóm 01 áp dụng với người lái xe hạng A1, nhóm 02 áp dụng với lái xe hạng B1 và nhóm 03 áp dụng với các hạng lái xe A2, A3, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE, cụ thể:
Nhóm 01, người lái xe sẽ không đủ điều kiện lái xe nếu có một trong các tình trạng bệnh tật như: Rối loạn tâm thần cấp, rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; liệt vận động từ 02 chi trở lên; thị lực nhìn xa cả hai mắt dưới 4/10 kể cả đeo kính, nếu còn 01 mắt mà thị lực dưới 4/10 kể cả đeo kính; rối loạn nhận biết 03 màu đỏ, vàng, xanh lá cây; cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các tay chân còn lại không toàn vẹn; sử dụng chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định.
Nhóm 02, người lái xe sẽ không đủ điều kiện nếu có một trong các tình trạng bệnh tật: Rối loạn tâm thần cấp tính đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất; liệt vận động từ 02 chi trở lên, rối loạn cảm giác sâu; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý; thị lực nhìn xa 02 mắt dưới 5/10 kể cả đeo kính; nếu còn 01 mắt mà thị lực dưới 5/10 kể cả đeo kính; rối loạn nhận biết ba màu đỏ, vàng, xanh lá cây; block nhĩ thất độ II hoặc có nhịp chậm kèm các triệu chứng lâm sàng kể cả được điều trị nhưng không ổn định; suy tim độ III trở lên; các bệnh gây khó thở mức độ II trở lên; cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các tay chân còn lại không toàn vẹn; sử dụng chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định...
Nhóm 03, Thông tư quy định ngoài một số tiêu chí như hai nhóm trên, người lái xe không đủ điều kiện nếu có một trong các tình trạng: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính; động kinh; liệt vận động 01 chi trở lên; hội chứng ngoại tháp; rối loạn cảm giác nông hoặc sâu; thị lực nhìn xa từng mắt, mắt tốt dưới 8/10, mắt kém dưới 5/10 kể cả đeo kính; đeo kính lớn hơn + 5 diop hoặc lớn hơn - 8 diop...
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người lái xe là phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe; chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe; chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý Nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải hoặc của người sử dụng lao động. Sở Y tế và cơ quan quản lý Nhà nước về y tế của các Bộ, ngành có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động khám sức khỏe cho người lái xe tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định.
Việc ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lái xe để có đủ điều kiện lái xe an toàn. Các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe áp dụng cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 4132/QĐ-BYT ngày 04/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Theo Quang Binh Portal