Thực hiện Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, kinh tế; thành lập Đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát 122 tổ chức Đảng và 121 đảng viên, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền gần 206 tỷ đồng; xử lý kỷ luật hành chính 18 cá nhân và kỷ luật 05 đảng viên; chuyển cơ quan điều tra đề nghị xem xét xử lý hình sự 05 vụ việc. Bên cạnh đó, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, điều tra 72 vụ án/106 bị can; đề nghị truy tố 62 vụ án/103 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế; thu hồi tài sản trên 26 tỷ đồng. Viện Kiểm sát Nhân dân đã thụ lý 68 vụ án/104 bị can, truy tố 60 vụ án/98 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế. Tòa án Nhân dân 02 cấp thụ lý 64 vụ án/101 bị cáo, giải quyết 63 vụ án/100 bị cáo về tội tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế như tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; hình phạt áp dụng trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đủ sức răn đe; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ thấp; công tác tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị để phát hiện, xử lý tham nhũng hiệu quả còn thấp; việc phát hiện, xử lý tham nhũng hạn chế; một số kết luận thanh tra còn kiến nghị chưa rõ trách nhiệm của cá nhân hay tập thể…
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức, phối hợp của tỉnh Quảng Bình trong quá trình Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng, kinh tế tại địa phương. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhất là các quy định mới được ban hành; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác phát hiện, xử lý các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Trung ương để kịp thời phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra Đảng, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, kinh tế. Ngoài ra, đoàn công tác cũng kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo xem xét, xử lý đối với 01 vụ án, 03 vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy đồng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời Quảng Bình sẽ chấp hành nghiêm túc việc triển khai thực hiện những vấn đề Đoàn công tác kiến nghị, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Theo Quang Binh Portal