Hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, đặc thù riêng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát.
Đến thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.
Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp như: Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm; thời gian chuẩn bị đầu tư tính đến thời điểm khởi công của dự án sử dụng vốn công thường kéo dài, đặc biệt là dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp; tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng bị kéo dài; thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài; một số công chức, viên chức còn gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, giúp Chính phủ, các Bộ, ngành đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng - một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế. Do đó, đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là các thủ tục rườm rà, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư xây dựng, chú trọng tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực, với yêu cầu làm theo quy hoạch, bảo đảm an toàn lao động, an toàn công trình; tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại nổi cộm như hiện tượng lãng phí trong đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn lớn; tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát... Trước bất cập đó, đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao; đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng… nhằm tăng cường quản lý đầu tư xây dựng; tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn vướng mắc vì nhiều vấn đề không thể tháo gỡ ngay được...
Theo Quang Binh Portal