Đội ngũ công chức được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ, chính sách đối với công chức làm công tác tiếp dân từng bước được quan tâm...
Thực hiện Luật Tiếp công dân ngày 25/11/2013 và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, đồng thời để đáp ứng yêu cầu trong tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, ngày 09/10/2014, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 1937/ĐA-VPUBND về việc thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Ban Tiếp công dân tỉnh Quảng Bình là tổ chức trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, có chức năng trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tổ chức việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất của lãnh đạo Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Ban Tiếp công dân có Trưởng ban và Phó Trưởng ban; 02 phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Phòng Tiếp công dân và Phòng Xử lý đơn thư.
Ban Tiếp công dân có nhiệm vụ tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật; phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân tỉnh.
Theo Website Quảng Bình