Thông tin về hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (Kỳ 1)

Đến thời điểm hiện nay, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã nghe, xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp và các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 05 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2016-2020 và năm 2016; kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020; báo cáo về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; tờ trình về phương án sử dụng vốn trái phiếu của Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng…

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số dự thảo dự án luật, trong đó có những dự án luật quan trọng được nhiều người quan tâm như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Tham gia kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tích cực nghiên cứu tài liệu và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với các nội dung được đưa ra xem xét, bàn bạc, thảo luận.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã có ý kiến phát biểu đánh giá cao và cơ bản nhất trí với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời góp ý một số nội dung liên quan tới việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong mối quan hệ với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được Quốc hội thông qua.

Một là, tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định Thông tư liên tịch giữa các Bộ với Tòa án và Viện kiểm sát là một loại văn bản quy phạm pháp luật; tuy vậy, dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã không quy định rõ về thẩm quyền giám sát đối với loại văn bản này. Đại biểu đề nghị cần làm rõ về thẩm quyền giám sát đối với loại Thông tư liên tịch giữa các Bộ với Tòa án, Viện Kiểm sát và yêu cầu phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật.

Hai là, dự thảo Luật giao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng không quy định Đoàn Đại biểu Quốc hội được quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét văn bản của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội không được giao giám sát các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng lại có thẩm quyền đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét văn bản của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại vấn đề này; có thể bổ sung quy định Đoàn Đại biểu Quốc hội là cơ quan được có thẩm quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét văn bản, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ba là, tại Điều 48 dự thảo Luật có quy định Đoàn Đại biểu Quốc hội có thẩm quyền giám sát văn bản vi phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy vậy, quy định này còn chung chung và không rõ, chỉ quy định Đoàn Đại biểu Quốc hội có thẩm quyền giám sát văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng không nói rõ tiêu chí để giám sát là xem xét nó trái với loại văn bản nào, của cấp nào. Đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định này và quy định cụ thể trong Luật.

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định về trình tự, thủ tục giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội vì chưa thấy thể hiện nội dung này.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã phát biểu cho rằng, tham nhũng một vấn đề nhức nhối của nhiều Quốc gia trên thế giới, bởi lẽ tham nhũng đã làm cho tình hình chính trị bê bối, thể chế suy yếu và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, gây tổn hại tới kinh tế, băng hoại đạo đức, lối sống trong xã hội hiện tại và tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo tham nhũng là "giặc nội xâm", ngày nay, Ðảng ta gọi là "nguy cơ" đối với một Ðảng cầm quyền, là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự tồn vong của chế độ, là những lực cản nặng nề nhất cho sự phát triển, là một tệ nạn có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Quốc gia, dân tộc.

Đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ và khẳng định năm 2015 công tác phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến rõ nét với nhiều kết quả nổi bật. Thể chế chính sách về phòng, chống tham nhũng được hoàn thiện hơn, công khai minh bạch hơn; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời nghiêm minh hơn; các biện pháp tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa được đẩy mạnh; hoạt động hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng được mở rộng. Tuy nhiên, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ và diễn biến thực tế hiện nay, đại biểu cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng; làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, là nguy cơ gây mất ổn định chính trị xã hội. Tham nhũng có thể thấy ở hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ người có địa vị thấp, đến ngư¬ời có địa vị cao trong xã hội; ngư¬ời tham nhũng ít, nhìn ngư¬ời tham nhũng nhiều rồi làm theo, người không tham nhũng có khi bị ng¬ười tham nhũng cô lập. Thực trạng tham nhũng vặt và hối lộ trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, nghiêm trọng. Tham nhũng đã lây lan đến tận ng¬ười dân th¬ường, chỉ cần họ có một chút chức trách gì đó nếu có cơ hội là phát sinh tham nhũng.

Sau khi phân tích kỹ về các loại hành vi, dấu hiệu tham nhũng và tác hại của nó, đại biểu cho rằng, để đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng trong thời gian tới cần khẩn trương triển khai các chủ trương của Ðảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, công khai tổ chức, cá nhân tham nhũng. Thực hiện nghiêm Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.

Quốc hội cần đẩy mạnh chức năng giám sát; Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng trong xây dựng, điều chỉnh chính sách; kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách; việc chi tiêu mua sắm và đầu tư công. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nghiên cứu ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; từng bước thực hiện chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có nguồn thu nhập chủ yếu bằng lương, đáp ứng mức sống tối thiểu và nâng dần lên mức sống khá trong xã hội. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm, lĩnh vực nhạy cảm. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung giáo dục làm trong sạch bộ máy công quyền mà trước hết là cơ quan bảo vệ pháp luật; bộ máy kiểm toán, thanh tra…

Trong phiên thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã phát biểu tán thành với nhiều điểm mới của dự thảo và đánh giá cao dự thảo đã được tiếp thu chỉnh lý. Đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật đã tiếp thu và giữ lại một số khái niệm của Bộ luật hiện hành là hoàn toàn phù hợp, đã làm cho các thuật ngữ của Bộ luật Dân sự, của pháp luật về dân sự trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn, đơn giản hơn đối với người dân. Đại biểu cũng đã phân tích và bày tỏ sự tán thành với phương án chỉ nên quy định pháp nhân, cá nhân là các chủ thể của quan hệ dân sự; không quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ dân sự như Bộ luật Dân sự hiện hành, vì trên thực tế thực hiện đã gặp phải rất nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là trong việc xác định tư cách thành viên, tư cách đại diện, tài sản chung, trách nhiệm pháp lý. Mặt khác, về bản chất pháp lý thì việc tham gia của các chủ thể này vào quan hệ dân sự thực chất là sự tham gia của các cá nhân và mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự bằng tài sản riêng của mình, nếu tài sản chung không đủ. Ngoài ra, hiện nay, chúng ta đang hội nhập sâu rộng trong quan hệ quốc tế, tham gia vào nhiều tổ chức thương mại, cho nên quy định về chủ thể quan hệ dân sự như trên là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với quy định về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản ở Điều 419, đại biểu nhất trí tán thành với việc bổ sung quy định mới này trong Bộ luật Dân sự. Theo đại biểu, quy định này phù hợp với nguyên tắc thiện chí trong quan hệ dân sự mang tính đạo đức và hướng tới lợi ích chung, tuy vậy cần phải nghiên cứu để quy định vấn đề này một cách hết sức chặt chẽ, tránh sự lạm dụng, gây bất ổn trong quan hệ dân sự; đặc biệt cần cân nhắc thêm quy định về thẩm quyền của Tòa án trong việc can thiệp sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng, nhất là việc cho phép thẩm phán thay đổi hợp đồng và đề nghị quy định rõ hơn việc Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi vì nội dung này quy định chưa rõ.

Liên quan đến các quy định về hợp đồng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường còn cho rằng, chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự là một chế định có liên quan rất chặt chẽ với rất nhiều luật chuyên ngành có quy định về hợp đồng, như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải ... Vì vậy, khi sửa đổi Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành cần phải chú trọng giải quyết được mối quan hệ về vấn đề hợp đồng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng thực hiện…

Ngoài việc tích cực tham gia phát biểu ở Hội trường, trong các phiên thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội; dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế… các đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đều tham gia nhiều ý kiến, được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, đưa vào giải trình.

(Còn nữa)

Nguồn: Trang TTĐT Quảng Bình