Thời gian qua, Quốc hội đã nghe, xem xét, thảo luận và quyết định đối với nhiều vấn đề quan trọng như báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015; xem xét quyết định đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; xem xét kết quả giám sát tối cao “Tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”; các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội…
Tham gia kỳ họp lần này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình được bố trí cùng Tổ thảo luận với đoàn Nam Định và Yên Bái. Đại biểu Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh được cử làm Tổ trưởng, điều hành hoạt động thảo luận tại Tổ. Trong suốt thời gian qua, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tích cực nghiên cứu tài liệu và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với các nội dung được đưa ra xem xét, bàn bạc, thảo luận, được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, đưa vào giải trình.Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung xem xét, thảo luận và thông qua dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; sửa đổi Điều 60 của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014; tập trung xem xét thông qua 11 Dự án Luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, cho ý kiến về 15 Dự thảo Luật khác nhằm tiếp tục đưa Hiến pháp vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện thể chế, đảm bảo thống nhất tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; trong đó có những Dự án Luật quan trọng được nhiều người quan tâm như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Phát biểu thảo luận tại Tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ, đại biểu Hoàng Đăng Quang đã phân tích những kết quả đạt được và cho rằng, trong những tháng đầu năm 2015, bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy vậy, đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế nổi lên hiện nay, như: Kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng còn khó khăn; bội chi ngân sách Nhà nước ở mức cao, nợ công tăng. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn; mức đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn thấp. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2014. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao và xử lý chậm. Đại biểu cũng đã phân tích cụ thể đối với từng nội dung trên và cho rằng, năm 2015, khó khăn vẫn còn nhiều, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đề xuất một số kiến nghị sát thực nhằm cải thiện, khắc phục những khó khăn, hạn chế nói trên.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận về Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Thảo luận tại Tổ về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có 02 đại biểu tham gia ý kiến. Đại biểu Hoàng Đăng Quang cho rằng, công tác xây dựng luật còn nhiều yếu kém, chất lượng của luật chưa cao, còn thiếu tính bền vững, nhiều luật chưa được nghiên cứu kỹ và chưa bảo đảm tính nguyên tắc trong quá trình xây dựng; Quốc hội cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trước thực trạng trên. Đại biểu không nhất trí việc điều chỉnh, bổ sung một số dự án luật vừa mới được thông qua tại các kỳ họp trước, đồng thời đề nghị, nếu xét thấy cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Quốc hội xem xét, bổ sung đối với những dự án luật có tính cấp bách, bức xúc của Quốc gia.Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã có bài phát biểu đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, bức xúc hiện nay và kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Tán thành với ý kiến trên của đại biểu Hoàng Đăng Quang, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc điều chỉnh về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 là nhằm nâng cao chất lượng về công tác xây dựng Luật. Tuy nhiên, trong quá trình làm Luật vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như chậm tiến độ, hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời, kéo dài nhiều năm… trong khi khối lượng Luật trình Quốc hội trong nhiệm kỳ này là quá lớn, Luật mới ban hành chưa thực hiện đã có sự thay đổi. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải nâng cao chất lượng về công tác xây dựng Luật, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều. Đại biểu cũng có những băn khoăn việc Quốc hội khóa XIII có cần thiết phải dự kiến về chương trình xây dựng Luật cho khóa sau hay không. Theo đại biểu, đây là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng.
Thảo luận tại Tổ về Dự thảo Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có 03 đại biểu tham gia ý kiến. Đại biểu Hoàng Đăng Quang cho rằng, hiện nay việc tổ chức giám sát còn mang tính hình thức, hiệu quả giám sát chưa cao, việc giám sát giữa hai kỳ họp và giám sát tại kỳ họp vẫn còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Luật cần phải có chế tài xử lý việc giải quyết những kiến nghị thông qua hoạt động giám sát một cách rõ ràng, cụ thể; cần giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp chức năng giám sát vì phạm vi hoạt động của Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp khác nhau. Đối với Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu đề nghị không nên giao chức năng giám sát vì Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân không có tư cách pháp nhân và không có tính độc.
Đồng ý với ý kiến của đại biểu Hoàng Đăng Quang, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật này và cho rằng, Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã thể hiện được tính đồng bộ, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan giữa cơ quan giám sát với cơ quan chịu sự giám sát; liên quan đến quá trình hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân… Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn còn một số nội dung cần phải được làm rõ và quy định rõ trong Luật như vấn đề giải trình của cơ quan chịu sự giám sát, chủ thể chịu trách nhiệm, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp... Theo đại biểu, việc giám sát giải quyết về khiếu nại, tố cáo hiện nay còn hình thức, nhiều vấn đề còn bất cập, chưa mang lại hiệu quả; phạm vi, hình thức và nội dung giám sát có nhiều vấn đề còn trùng lặp nhau… Vì vậy, cần có sự đổi mới, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và cần phân biệt rõ về phạm vi, hình thức, nội dung giữa các cấp giám sát cho phù hợp.
Cùng thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Minh Diệu cho rằng, việc sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần này là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của hai tổ chức này trong quá trình làm Luật và xây dựng pháp luật cũng như trong hoạt động giám sát. Về quy định giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu đề nghị việc giám sát chuyên đề nên giao cho cấp tỉnh và huyện, còn đối với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã việc giám sát chuyên đề được tiến hành tại kỳ họp, nếu không quy định chức năng này thì Hội đồng nhân dân cấp xã sẽ rất khó hoạt động. Về giám sát của Tổ Hội đồng nhân dân, đại biểu phân tích và nhất trí với ý kiến của đại biểu Hoàng Đăng Quang, không giao nhiệm vụ giám sát cho Tổ Hội đồng nhân dân. Đối với việc quy định “Đại diện cơ quan chịu sự giám sát báo cáo, giải trình” tại Điểm b Khoản 3 Điều 18, đại biểu đề nghị nên bỏ, không nên quy định về việc mời đại diện cơ quan chịu sự giám sát đến kỳ họp để báo cáo, giải trình vì nếu xét thấy cần bổ sung báo cáo thì yêu cầu họ báo cáo khi cần thiết. Tương tự như vậy, đại biểu đề nghị bỏ Điểm b Khoản 3 Điều 65 cho phù hợp.
Thảo luận tại Tổ về Điều 60 của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có 3 đại biểu tham gia ý kiến, gồm đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Trần Minh Diệu và Nguyễn Mạnh Cường. Cả 03 ý kiến đều đã phân tích cụ thể những hạn chế, bất cập của Điều 60 và thống nhất việc cần phải sửa đổi điều luật này.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Tổ, trong phiên thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, “quả thực không vui” khi Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 vừa ban hành đã có một bộ phận lao động phản ứng và nguyện vọng đó cũng nhanh chóng được tiếp thu để đề nghị sửa đổi. Đại biểu bày tỏ băn khoăn: Nếu nói Luật ban hành đúng sẽ không hợp lý, bởi đúng thì sao người lao động lại phản ứng và đề nghị sửa đổi. Nếu nói Luật ban hành sai thì lại càng không thỏa đáng.
Theo đại biểu, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 có quy trình làm Luật hết sức chặt chẽ; quy định tại Điều 60 là một điểm mới phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới và định hướng đến năm 2020 chúng ta có 50% người lao động tham gia bảo hiểm; Luật thiết kế một số điều khoản mới nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động, liên kết các hình thức giữa tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện đóng 1 tháng, đóng 3 tháng, đóng 5 tháng, 12 tháng, đóng nhiều lần, đóng một lần cho nhiều tháng. Điều 60 cũng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Khắc phục tình trạng hiện nay khi mỗi năm Nhà nước bỏ ra 3.000 tỷ để trợ cấp cho 1,4 triệu người lao động không có lương hưu. Khắc phục tình trạng số người rời bảo hiểm xã hội nhiều hơn số người tham gia bảo hiểm xã hội.
Đại biểu cho rằng, nếu như người lao động đồng thuận, đây là một việc làm đúng đường lối chính sách và sẽ có lợi cho người lao động đóng góp lúc trẻ nhằm nuôi dưỡng lúc già. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội và tình hình việc làm hiện nay chưa ổn định nên người lao động chưa thể vượt qua những khó khăn hiện tại để hướng tới việc có lợi trong tương lai… Qua phân tích, đại biểu bày tỏ sự đồng tình điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 nhằm khắc phục tình trạng trên, đồng thời đề nghị Quốc hội, nếu chọn phương án sửa đổi Luật thì phải làm đúng quy trình với trình tự, thủ tục chặt chẽ. Đại biểu yêu cầu, Quốc hội phải cho thẩm tra, đánh giá lại mức độ tác động của điều luật này; xem xét có bao nhiêu phần trăm các doanh nghiệp, người lao động có phản ứng, từ đó mới điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, tránh tình trạng “có sai có sửa, càng sửa lại càng sai”. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nên ban hành một Nghị quyết, trước mắt nhằm ổn định tình hình và có thời gian để Quốc hội xem xét, tổ chức tốt việc tuyên truyền vận động, giúp người lao động chấp thuận phương án 1 của Điều 60, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014.
Theo Quang Binh Portal