Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, do kiện kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, tăng trưởng tín dụng thấp, đầu tư công thắt chặt nên toàn tỉnh đã có 215 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động làm ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng của tỉnh, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một yêu cầu cần thiết và cấp bách cho các doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Hiện, số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn ít so với quy mô dân số, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chủ sở hữu ít, bình quân vốn đăng ký 4,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đến nay, có 45 doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng chất lượng hoạt động chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ vẫn ở mức cao, sức cạnh tranh yếu... 

Thời gian qua, mặc dù, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng việc khơi thông dòng vốn tín dụng vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do sức cầu nền kinh tế chưa được cải thiện đáng kể, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ; giá cả đầu vào, nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư hàng hóa tăng, trong khi giá không tăng hoặc tăng ít, nên hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đạt thấp. Bên cạnh đó, vốn sở hữu của các doanh nghiệp thấp nên các doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, chính sách thắt chặt đầu tư công đã làm giảm nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản làm cho thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có điều kiện để tham gia các hội chợ thương mại, xúc tiến giới thiệu quảng bá sản phẩm ở trong nước và quốc tế. Đối với công tác đào tạo tập huấn hàng năm thiếu kinh phí nên chất lượng đội ngũ quản lý của doanh nghiệp chưa được nâng cao. Ngoài ra, cơ chế quản lý doanh nghiệp còn tụt hậu về quản trị và công nghệ, đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý trong một số doanh nghiệp trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết còn hạn chế... cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. 

Để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian tới, UBND tỉnh, các cấp, ngành sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất và giải pháp cụ thể để cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh. Trước mắt, tỉnh tập trung tạo khuôn khổ pháp lý ổn định cho đầu tư kinh doanh thông qua quy trình thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả cho doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước; quy hoạch lại làng nghề, vùng nguyên liệu gắn với các dự án nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý cho doanh nghiệp đầu tư; tập trung khuyến khích, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế và lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp, nông thôn... 

Đối với, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng khơi thông nguồn vốn tín dụng, chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn, cho vay vốn các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; ưu tiên các gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao trước đây; tiếp tục xử lý nợ xấu, thực hiện điều chỉnh kỳ hạn nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp... 

Riêng ngành Công thương sẽ tập trung tăng cường cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cho doanh nghiệp; khuyến khích sức mua xã hội, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng hóa tồn kho. Ngành tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề, bổ sung nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn do hàng tồn kho, chưa được thanh, quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế; thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản...

Theo Website Quảng Bình