Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền và các đại biểu. |
Tham dự có đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và toàn thể lãnh đạo nữ trong ngành LĐ-TB và XH. Về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Ngành LĐ-TB và XH trong nhiều năm qua đã có truyền thống phát triển tốt về công tác cán bộ nữ. Nhiều nhiệm kỳ gần đây có Bộ trưởng và Thứ trưởng là nữ. Tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp vụ và tương đương tại các cơ quan của Bộ chiếm trên 42% trong tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Bộ và tương đương, trong đó 5/18 thủ trưởng đơn vị thuộc khối quản lý Nhà nước là nữ. Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp sở chiếm 23%, trong đó có 13/63 giám đốc sở là nữ.
Với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo và kết nối mạng lưới lãnh đạo nữ ngành LĐ-TB và XH", buổi tọa đàm đã tập trung được nhiều tham luận nhằm giúp đội ngũ cán bộ nữ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đồng chí lãnh đạo nữ cấp cao qua các thời kỳ và lãnh đạo nữ đại diện các tổ chức quốc tế, thành viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ...
Đồng thời buổi tọa đàm cũng là cơ hội để thảo luận sâu sắc về các giải pháp, chính sách, kinh nghiệm, cơ hội và thách thức đối với phát triển công tác cán bộ nữ ngành LĐ-TB và XH trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là hoạt động đầu tiên để triển khai mô hình "Hướng dẫn, dìu dắt cho đội ngũ nữ lãnh đạo của ngành".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài đã gửi lời cảm ơn chân thành đến đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, bà Pratibha Mehta đã tạo điều kiện và cơ hội tốt để Quảng Bình lắng nghe, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai tốt chính sách cán bộ lãnh đạo nữ của địa phương. Đồng thời xác định rõ cán bộ nữ tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ..., đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.