Sau 05 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có tăng trưởng ổn định, một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường như: Xi măng, bia, gạch Ceramic, phân vi sinh, may xuất khẩu… Tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp nông thôn phát triển khá; nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, đồng thời du nhập thêm các ngành mới, thu hút và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước thực hiện năm 2015 là 9.500 tỷ đồng, đạt 63,3% so với mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu Chương trình đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.000 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 9,5%; tỷ trọng giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 37% trong GDP của tỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng được đầu tư, tạo điều kiện thu hút các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, Chương trình Phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 cũng chú trọng khai thác tốt công suất của các cơ sở công nghiệp hiện có. Nhiều dự án mới đầu tư đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, tạo bước phát triển cho ngành công nghiệp của tỉnh như: Xi măng Văn Hóa, Xi măng Vạn Ninh, các nhà máy gạch không nung (tại Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch), May Hà Quảng mở rộng, các nhà máy chế biến gỗ và dăm gỗ…
Để ngành công nghiệp tỉnh nhà tiếp tục phát triển, phát huy tốt tiềm năng vốn có, giai đoạn 2016-2020, Chương trình Phát triển công nghiệp duy trì tốc độ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, phấn đấu đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân, khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn trên cơ sở khôi phục, phát triển những ngành nghề truyền thống; ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Đặc biệt, Chương trình Phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đã đề ra mục tiêu cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015; tốc độ tăng bình quân hàng năm là 11,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 8,5%/năm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015, đồng thời khẳng định, dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp vẫn phát triển khá, các dự án công nghiệp cơ bản được thực hiện đúng tiến độ, công suất của các cơ sở sản xuất công nghiệp phát huy tốt hiệu quả… Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu Sở Công thương và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần đưa ra biện pháp thích hợp trong việc khắc phục các tồn tại, khó khăn nhằm đưa ngành Công nghiệp phát triển tốt hơn trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương tổng hợp các ý kiến góp ý tại hội nghị để hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết trên cơ sở Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, tiến hành rà soát đưa ra Nghị quyết phát triển phù hợp với năng lực và tình hình thực tế…
Theo Quảng Bình Portal