Người hoạt động thú y có thể được hưởng chính sách như thương binh, liệt sỹ
Người được cử đi hoạt động thú y theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước bị lây nhiễm bệnh, bị thương, chết sẽ được xem xét hưởng chế độ, chính sách như đối với thương binh, liệt sĩ theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng là một trong những nội dung nổi bật tại Luật Thú y số 79/2015/QH13 của Quốc hội.
Luật cũng yêu cầu người chăn nuôi, sử dụng động vật phải đối xử nhân đạo, giảm thiểu đau đớn, sợ hãi với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển, chữa bệnh và giết mổ động vật. Việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Riêng đối với các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện khó khăn, có thể thực hiện tại cơ sở nhỏ lẻ nhưng phải đảm bảo vệ sinh thú y theo quy định.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
VB hướng dẫn thi hành sẽ đồng thời hết hiệu lực theo VB được hướng dẫn
Nhiều nội dung mới được thể hiện tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Trước hết, Luật này quy định từ tháng 7/2016, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành thì văn bản hướng dẫn hoặc quy định chi tiết văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung phải được hợp nhất với văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, Luật này cũng trao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cơ quan chính quyền cấp xã; trong đó, Hội đồng nhân dân cấp xã được ban hành Nghị quyết và UBND cấp xã được ban hành Quyết định.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp phép nghiên cứu biển Việt Nam
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động.
Trước khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian không quá 30 ngày, sau 06 tháng phải báo cáo chính thức.
Luật cũng quy định từ ngày 01 đến ngày 08/06 hàng năm là Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.
Người lao động được DN đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Điểm mới của Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 là quy định về việc người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ được doanh nghiệp đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mức đóng tối đa là 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.
Để bảo vệ NLĐ, Luật cũng quy định trong trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và đã báo cáo, NLĐ được quyền từ chối làm việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương.
Với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp sẽ được DN hỗ trợ 50% học phí chuyển đổi nhưng tối đa không quá 30 tháng tiền lương cơ sở cho 2 lần.
Các quy định mới nêu trên sẽ có hiệu lực từ 01/07/2016.
Cấm gửi tin nhắn, email rác
Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử (bao gồm địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, địa chỉ Internet và hình thức tương tự khác) của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối.
Đây là nội dung quy định tại Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Về bảo vệ thông tin cá nhân, Luật quy định, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin không được cung cấp, phát tán thông tin cá nhân thu thập được cho bên thứ ba. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.
Không được ủy quyền trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội
Đây là nội dung được quy định cụ thể tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Theo đó, hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo trình tự: Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể; Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có). Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời…
Ngoài trả lời chất vấn trực tiếp, Quốc hội cho phép trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp: Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp; Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh; Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.
Nghiêm cấm khai man, làm sai lệch dữ liệu thống kê
Luật Thống kê số 89/2015/QH13 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 chỉ rõ, nghiêm cấm việc khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê; Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; Tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó…
Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung hình thức thu thập thông tin thống kê từ sử dụng dữ liệu hành chính, trong khi trước đây chỉ có 02 hình thức thu thập thông tin thống kê chủ yếu là điều tra thống kê và báo cáo thống kê. Cơ sở dữ liệu hành chính được sử dụng trong hoạt động thống kê Nhà nước gồm: Cơ sở dữ liệu về con người; đất đai; cơ sở kinh tế; thuế; hải quan; bảo hiểm…
Luật cũng quy định thông tin thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân; Thông tin thống kê chưa được người có thẩm quyền công bố; Thông tin thống kê thuộc Danh mục bí mật Nhà nước… phải được giữ bí mật.
Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là ngành, nghề KD có điều kiện
Bổ sung ngành, nghề dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là nội dung nổi bật tại Luật Khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Cũng theo Luật này, tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo do mình ban hành. Thông tin dự báo, cảnh báo phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn; dễ hiểu, dễ sử dụng và được chuyển tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự
Đây là nội dung rất được quan tâm tại Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Theo đó, tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định; tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Tương tự, khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự cũng có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng; nếu đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.
Bên cạnh đó, Tòa án cũng không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Email, chứng từ điện tử được coi là chứng cứ trong tố tụng hành chính
Theo Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 của Quốc hội, ngoài một số vật chứng là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc; văn bản công chứng, chứng thực; lời khai của đương sự…, từ ngày 01/07/2016, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác về giao dịch điện tử và văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ cũng được coi là chứng cứ trong tố tụng hành chính.
Bên cạnh đó, Luật cũng cho phép đương sự trong tố tụng hành chính được tự mình thu thập thông điệp dữ liệu điện tử; vật chứng; xác định người làm chứng, lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu UBND cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng… Đồng thời, đương sự còn được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập; được tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình; được đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý…
Người đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng
Theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, không chỉ có phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh… được bố trí giam giữ ở buồng riêng, mà người đồng tính, người chuyển giới cũng sẽ được hưởng chính sách này.
Ngoài nội dung nêu trên, việc gặp thân nhân của người bị tạm giam, tạm giữ cũng là nội dung đáng chú ý tại Luật này. Cụ thể, người bị tạm giam được gặp thân nhân 01 lần/tháng; người bị tạm giữ được gặp thân nhân 01 lần trong thời gian tạm giữ và 01 lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ; thời gian mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ là người dưới 18 tuổi, số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, tạm giam đủ 18 tuổi trở lên.
Công dân từ đủ 18 tuổi được bỏ phiếu trưng cầu ý dân
Với việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, Quốc hội chính thức cho phép cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Luật quy định công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ những người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự…
Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân được ấn định là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 60 ngày trước ngày bỏ phiếu. Bên cạnh đó, không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng, từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố; mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.
Quân nhân chuyên nghiệp được phục vụ tại ngũ thêm 5 năm
Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm là nội dung quy định tại Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức Quốc phòng số 98/2015/QH13.
Theo đó, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của cấp úy và thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp được quy định theo cấp bậc quân hàm, không phân biệt nam nữ, lần lượt là 52 tuổi và 54 tuổi; riêng với thượng tá quân nhân chuyên nghiệp, là 56 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ.
Đặc biệt, khi chuyển ngành, quân nhân chuyên nghiệp sẽ được bảo lưu mức lương, phụ cấp thâm niên trong 18 tháng.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Điều tra viên được huy động phương tiện giao thông để đuổi bắt người phạm tội
Một trong những nội dung mới, đáng chú ý tại Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 của Quốc hội là cho phép điều tra viên được huy động, sử dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của tổ chức, cá nhân để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn; tuy nhiên, phải hoàn trả ngay khi tình huống cấp thiết không còn.
Cũng theo Luật này, điều tra viên không được tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật; can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc; đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Bỏ hình phạt tử hình với tội Cướp tài sản
Tại Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, Quốc hội đã quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, trong đó có tội Cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch… Ở các tội danh này, hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Bộ luật cũng bổ sung trường hợp không bị kết án tử hình, gồm: Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn…
Bộ luật cũng quy định thêm một số tội danh như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đây là 2 tội danh mới, không phải tình tiết tăng nặng như quy định trước đây. Đối với tội đánh tráo người dưới 1 tuổi, Bộ luật quy định khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù. Với người chuẩn bị phạm tội giết người bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Đáng chú ý, lần đầu tiên tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được đưa vào Bộ luật Hình sự. Bộ luật này quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm có thể bị phạt tù đến 07 năm; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền đến 03 tỷ đồng.
Việc hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình
Đây là nội dung được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13. Cụ thể, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp hỏi cung bị can tại địa điểm khác cũng phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Cũng theo quy định mới, bị can, bị cáo bao gồm cả pháp nhân. Bị can được quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội. Bị cáo được tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa.
Đối với thủ tục bào chữa, Bộ luật bỏ quy định người bào chữa trong vụ án hình sự phải xin cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Trong mọi trường hợp, người bào chữa phải đăng ký tham gia bào chữa; khi đăng ký phải xuất trình giấy tờ theo quy định. Trong 24 giờ khi nhận đủ giấy tờ đăng ký, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lời chấp nhận hay không chấp nhận được tham gia bào chữa.
Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016.
Điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13, từ ngày 01/07/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ được áp dụng theo khung thuế suất mới.
Cụ thể, từ ngày 01/07/2016 đến hết ngày 31/12/2017, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở người từ 09 chỗ trở xuống, có dung tích xi lanh từ 1.500cm3 trở xuống là 40%; từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất là 35%. Với xe ô tô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ và ô tô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 30% xuống còn 15% và từ 25% xuống còn 10%.
Ngoài điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, Luật còn thay đổi mức tiền thuế chậm nộp. Theo đó, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định sẽ phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, thay vì mức 0,05%/ngày như trước đây.
Điều ước quốc tế được đăng Công báo
Có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13 do Quốc hội ban hành được đánh giá có nhiều điểm mới tiến bộ, thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp.
Trước hết, Luật này quy định điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam phải được đăng tải trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của cơ quan đề xuất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan Công báo phải đăng tải điều ước quốc tế trong 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế do Bộ Ngoại giao gửi.
Về hiệu lực, điều ước quốc tế hoặc một phần của điều ước quốc tế có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục. Hiến pháp được ưu tiên áp dụng trong cả trường hợp có quy định khác với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định các cơ quan Nhà nước đàm phán điều ước quốc tế phải tham vấn các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của điều ước quốc tế thông qua tổ chức đại diện của họ.
Theo Quang Binh Portal