Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính

Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) là nội dung cơ bản của công tác kiểm soát TTHC nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách TTHC, cải cách hành chính đã được thể chế hóa tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

Theo đó, để thực hiện tốt công tác thực hiện TTHC cần đề cao trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức, trong đó vấn đề cốt lõi là trách nhiệm giải trình trong quá trình thực thi các quy định TTHC. Đó chính là thái độ, trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quản lý Nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho xã hội. Việc tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện TTHC không chỉ nhằm mục đích đảm bảo các quyền cơ bản của công dân mà còn góp phần minh bạch các hoạt động quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công, sự giám sát của người dân đối với bộ máy hành chính Nhà nước, tăng cường sự đối thoại giữa cơ quan Nhà nước với công dân.

Để xây dựng nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công theo đúng bản chất "của dân, do dân và vì dân" thì trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực hiện TTHC không chỉ dừng lại ở việc giải trình khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu mà còn thể hiện ở việc công khai, minh bạch các quy trình thực hiện TTHC, cam kết tuân thủ quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình còn thể hiện ở việc chủ động hướng dẫn, cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm, thái độ tự chịu trách nhiệm đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định hành chính.

Trong những năm qua, hoạt động cải cách TTHC tại cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã được quan tâm, việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức ngày càng thuận lợi, hướng đến một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp và hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít cơ quan thực hiện TTHC chưa đề cao trách nhiệm giải trình đối với các hoạt động công vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Để tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực hiện TTHC, góp phần thực hiện có hiệu quả nội dung cải cách việc thực hiện TTHC theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp cần tăng cường công khai, minh bạch các quy định TTHC thông qua việc niêm yết công khai các TTHC đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Đây là việc làm nhằm giúp cá nhân, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết TTHC biết rõ về các quy định TTHC cần phải tuân thủ, qua đó phát huy trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như vai trò giám sát của cá nhân, tổ chức trong việc giải quyết TTHC.

Mặt khác, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp cần lấy sự thuận lợi, quyền lợi của cá nhân, tổ chức làm trung tâm, đồng thời có những quy định cụ thể để tránh tình trạng cá nhân, tổ chức phải bổ sung hồ sơ nhiều lần, việc từ chối không thụ lý các hồ sơ vướng mắc, phức tạp. Đặc biệt, trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước cần được thể hiện trong quá trình giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ. Các cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện việc viết giấy biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả giải quyết; thực hiện việc thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do nếu cần hướng dẫn cá nhân, tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối giải quyết do hồ sơ không đúng quy định. Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm thụ lý giải quyết hồ sơ, yêu cầu giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, đồng thời thể hiện trách nhiệm và sự cam kết của cơ quan hành chính Nhà nước trong việc hướng dẫn, giải thích và phục vụ người dân thực hiện TTHC theo đúng quy định pháp luật. Thông qua việc làm này sẽ hạn chế được các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong khâu tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng thực hiện TTHC, góp phần nâng cao trách nhiệm và năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ trong việc hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC.

Trong quá trình giải quyết TTHC, khi phát hiện các hồ sơ, yêu cầu giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức không đảm bảo tính hợp pháp, không đúng với thực tế hoặc không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan thực hiện TTHC phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức biết rõ lý do hồ sơ không được giải quyết hoặc cần phải bổ sung hồ sơ, tài liệu chứng minh theo đúng quy định của pháp luật. Khi kết quả giải quyết TTHC không đúng quy định của pháp luật hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của người dân, đòi hỏi cơ quan thực hiện TTHC phải thông báo bằng văn bản giải thích rõ lý do cho cá nhân, tổ chức biết; trường hợp do nguyên nhân khách quan cần phải đề nghị cá nhân, tổ chức cho phép gia hạn thời gian trả kết quả; trường hợp nguyên nhân do cơ quan Nhà nước thì phải xin lỗi cá nhân, tổ chức và chấn chỉnh hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định hành chính, công khai việc chấn chỉnh cho cá nhân, tổ chức biết.

Thực tiễn cho thấy vẫn còn không ít trường hợp cơ quan Nhà nước giải quyết TTHC còn chậm so với thời hạn quy định khiến cá nhân, tổ chức phải bỏ thêm thời gian và chi phí không cần thiết mới có được kết quả giải quyết TTHC, thậm chí có cán bộ, công chức có hành vi gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Do đó, để tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực hiện TTHC khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP, các cơ quan thực hiện TTHC cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho người dân, tổ chức và cộng đồng xã hội thực hiện quyền giám sát đối với việc thực hiện TTHC của các cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, các cơ quan cần tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định tại Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; xử lý nghiêm các hành vi gây chậm trễ, phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính. Ngoài ra, cơ quan Nhà nước các cấp cần công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị trên phương tiện thông tin đại chúng, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động giải trình của cơ quan thực hiện TTHC, đem lại ý nghĩa thiết thực trong công tác cải cách TTHC.

Theo Website Quảng Bình