Triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Kế hoạch số 500/KH-UBATGTQG ngày 30/12/2013 của Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia về triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2014, với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT. Vì vậy, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình đang gấp rút thi công

9 tháng đầu năm 2014, dưới sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, công tác điều hành của các sở, ngành, địa phương tiếp tục có nhiều đổi mới trong việc bảo đảm TTATGT, đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Các sở, ngành, địa phương đã tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, siết chặt kinh doanh vận tải, đẩy mạnh tuần tra kiểm soát. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Cơ động và việc đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu, thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô vào hoạt động đã đem lại những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, vận động xây dựng văn hóa giao tiếp tục được đẩy mạnh và có chiều sâu. Các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo đảm TTATGT, phòng tránh TNGT. Tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/9/2014, toàn tỉnh xảy ra 261 vụ tai nạn giao thông, làm chết 107 người, bị thương 230 người; giảm so với cùng kỳ năm 2013 là 88 vụ, 11 người chết, 140 người bị thương. Thiệt hại tài sản 1.816.310.000 đồng.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn vận tải cũng được lực lượng chức năng tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra các phương tiện, người lái xe trước khi xuất bến. Tổng số phương tiện tham gia hoạt động trên các tuyến là 360 phương tiện. Đặc biệt, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tổ chức Trạm kiểm tra tải trọng xe trên tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 12; thời gian hoạt động 24 giờ trong ngày, 07 ngày trong tuần; xử lý các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế TNGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đơn vị cũng đã kiểm tra được 3.710 phương tiện ô tô, lập biên bản vi phạm hành chính 689 trường hợp với số tiền xử phạt 1.580.600.000 đồng, tước Giấy phép lái xe 656 trường hợp. Ngoài ra, các công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện; bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; bảo đảm ATGT khi thi công các công trình trên đường bộ đang khai thác cũng được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, đó là: Tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, khó lường, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn cao; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số địa phương, cơ sở chưa được thường xuyên, kịp thời; tình trạng người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia còn phổ biến. Bên cạnh đó, hiện tượng lơ là, chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về việc “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” ở một số đơn vị; công tác báo cáo của các địa phương chưa kịp thời, thống nhất. Vì lợi nhuận kinh doanh, một số lái xe, chủ xe kinh doanh vận tải hành khách chưa thật sự tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về TTATGT, còn tồn tại các hành vi vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường, luồng tuyến, tránh vượt sai, đón, trả khách không đúng nơi quy định… Tại vùng nông thôn, miền núi, ý thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên còn kém, khi tham gia giao thông còn vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, tốc độ; sử dụng rượu, bia trong quá trình tham gia giao thông; chở ba, chở bốn, không đủ tuổi điều khiển xe máy… Vì vậy, đây là những nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất TTATGT trên địa bàn nông thôn.

3 tháng cuối năm 2014, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã đề ra một số nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm để bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền ATGT theo chuyên đề về sử dụng phần đường, làn đường; phòng, chống uống rượu bia đối với lái xe; hưởng ứng Chiến dịch “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”. Đối với Sở Giao thông Vận tải, đơn vị tăng cường chỉ đạo, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động giao thông đường bộ; nâng cao chất lượng quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, các chủ phương tiện cam kết không cải hoán phương tiện, không vi phạm chở quá tải trọng cho phép, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông, tiến độ thi công Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và các dự án giao thông trên địa bàn. Về phía Công an tỉnh, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải và địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tải trọng phương tiện và xếp hàng hóa lên xe ô tô; tăng cường tuần tra, kiểm soát, chú trọng tuần lưu, ứng dụng công nghệ trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; bảo đảm trật tự ATGT trong các ngày lễ lớn, Tết; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật... Ngoài ra, các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan thành viên của Ban ATGT tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn cần đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về Trật tự ATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; tuyên truyền đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn; triển khai phương án bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng trong mùa mưa lũ; xác định các điểm mất an toàn trên tuyến đường giao thông nông thôn, tổ chức duy tu, sửa chữa khắc phục để nhân dân đi lại an toàn...

Theo Website Quảng Bình