Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng ngay từ tuần họp đầu tiên

Sáng ngày 20/10/2014, tại Nhà Quốc hội Hội trường Ba Đình mới, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã được chính thức khai mạc. Kỳ họp dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 29/11/2014. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tham gia kỳ họp đầy đủ và ngay tuần làm việc đầu tiên đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, chất lượng vào một số nội dung quan trọng.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trựcTỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành phiên thảo luận tại tổ

Theo chương trình đề ra, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng như xem xét, thông qua 18 dự án luật và 03 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác (Đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp từ trước đến nay); xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015 và ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về các nội dung quan trọng này; tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2011-2015”; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội...; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Với một khối lượng công việc đó đòi hỏi Quốc hội nói chung và mỗi đại biểu Quốc hội nói riêng phải nỗ lực, làm việc với cường độ lớn mới có thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tại kỳ họp lần này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cùng tổ với các Đoàn Điện Biên, Gia Lai, Lào Cai và Thái Nguyên. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công làm nhiệm vụ Tổ trưởng.

Trong ngày làm việc thứ 2 của Quốc hội, đại biểu Hoàng Đăng Quang đã điều hành phiên họp thảo luận Tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015 và kết quả thực hiện dự toán ngân sách năm 2014, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015. Đại biểu Hoàng Đăng Quang đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, trong đó phân tích một cách cụ thể và sâu sắc những tồn tại, hạn chế, khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2014 và 04 năm từ 2011 đến 2014; những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2014. Đối với mỗi nội dung, đại biểu đưa ra những kiến nghị, đề xuất Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có những quyết sách đúng đắn, cụ thể và phù hợp hơn.

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; xem xét, đánh giá tác động của hệ thống chính sách trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; quan tâm thực hiện lộ trình phát triển kinh tế vùng, trong đó đầu tư một số dự án có tính động lực đối với các vùng nghèo, tỉnh nghèo để giúp các địa phương có cơ hội vươn lên, tránh tụt hậu; có chính sách đặc thù phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ở các vùng có lợi thế, chú ý ở những nơi có lợi thế về phát triển du lịch (như các khu du lịch sinh thái, Di sản văn hóa, Di sản thiên nhiên thế giới…); quan tâm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản cho các doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng thương mại...

Đối với việc lập dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015, đại biểu nhất trí với Chính phủ trong việc tăng mức đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, song đề nghị cần ưu tiên tập trung trả nợ. Trong đó bội chi ngân sách Nhà nước dùng để chi cho đầu tư phát triển và trả nợ, không dành cho chi thường xuyên, còn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cần ưu tiên cho đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm của đất nước và hỗ trợ địa phương khó khăn. Về việc bố trí chi ngân sách Nhà nước năm 2015, đại biểu đề nghị cần quan tâm bố trí cho quốc phòng - an ninh, nhất là các tuyến đường ven biển, các tuyến đường biên giới giáp Lào, Campuchia, Trung Quốc, đặc biệt chú ý đầu tư cho các cửa khẩu Quốc tế biên giới và có cơ chế cho các tỉnh khó khăn được trích lại thuế xuất nhập khẩu để đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu... 
Các ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội đã nghe một số báo cáo, tờ trình quan trọng khác và thảo luận tại Hội trường đối với một số dự thảo Luật. Trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) lần này đã có những tiếp thu, sửa đổi một cách cơ bản và đầy đủ theo góp ý của các đại biểu Quốc hội nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đại biểu đã chỉ ra sự thiếu thống nhất ở một số Điều như trong quy định về thẩm quyền đề nghị đại xá, có điểm quy định Chủ tịch nước đề nghị đại xá, điểm khác lại quy định Chính phủ đề nghị đại xá; có Điều tiêu đề quy định về bỏ phiếu tín nhiệm nhưng nội dung bên trong lại đề cập đến bỏ phiếu tín nhiệm nên đề nghị xem xét, bổ sung, chỉnh sửa để bảo đảm tính thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tham gia góp ý tại kỳ họp

Đối với quy định về việc từ chức của đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, không thể quy định từ chức vì lý do sức khỏe mà cần bổ sung vào các quy định về sự trung thành với Tổ quốc, Hiến pháp; về phẩm chất đạo đức; trình độ, năng lực, sau đó mới đến sức khỏe và lý do khác. Vì thế, tại Điều 10 cần bổ sung quy định đối với người được Quốc hội bầu và phê chuẩn: “Nếu tín nhiệm thấp, thiếu trung thành với Tổ quốc, hạn chế về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, sức khỏe và lý do khác thì xin từ chức”. Tương tự như trên, đại biểu đề nghị tại Điều 38 quy định về việc xin thôi làm đại biểu Quốc hội cũng cần bổ sung đầy đủ về các nội dung về tín nhiệm thấp, hạn chế về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực rồi mới đến sức khỏe và lý do khác.

Ngoài ra, đại biểu còn phân tích và đề nghị bổ sung vào điểm 4, Điều 28 quy định: “Trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan chức năng giải quyết đúng pháp luật thì xác minh, lấy thêm ý kiến của các cơ quan chức năng để có cơ sở khẳng định và yêu cầu công dân tuân thủ chấp hành và chấm dứt việc chuyển đơn” để khắc phục tình trạng đơn đến là chuyển, đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội trở thành người chuyển đơn thư, tránh việc chuyển đơn thư lòng vòng vì vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, gây phiền hà, mất thời gian của các cơ quan chức năng cũng như thời gian, tiền của của công dân.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, việc quy định đối tượng hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 đến 03 tháng phải đóng bảo hiểm bắt buộc là không khả thi, vì nó liên quan đến thủ tục lập hồ sơ, danh sách, liên hệ giao dịch với cơ quan bảo hiểm; việc làm này mất nhiều thời gian, có khi người lao động có sổ bảo hiểm xã hội thì đã hết hợp đồng lao động… Vì vậy, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ quy định này. Đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn; đồng thời đề nghị Chính phủ cần có mức hỗ trợ thích ứng về phí bảo hiểm xã hội cho nhóm đối tượng này nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, đồng thời đây cũng là thể hiện sự ghi nhận công lao, đóng góp của họ.

Về chế độ hưu trí và cách tính lương hưu, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình và áp dụng từ năm 2018 là hợp lý và không làm giảm quyền lợi người nghỉ hưu, không tạo ra sự bất bình đẳng giữa người nghỉ hưu trước và sau khi luật ban hành, đồng thời khắc phục những bất cập của luật hiện hành, từng bước thực hiện cân đối quỹ, khắc phục lỗi do chính sách tiền lương từ trước đến nay chưa hợp lý. Đối với quy định về thanh tra Bảo hiểm Xã hội, đại biểu đề nghị giao thẩm quyền thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Sau khi phân tích, đại biểu cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất để xử lý việc nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động; đồng thời qua đó cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội…

Có thể nói, tham gia kỳ họp lần này, ngay từ những ngày đầu tiên, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; nhiều ý kiến góp ý của đại biểu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tiếp thu. Những ngày tiếp theo, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp tục nghiên cứu để có những đóng góp tích cực cho thành công của kỳ họp.

Theo Phong Hồng – Ất Mão (Thư ký Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình)