Kính thưa Quốc hội!
1. Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo của Chính phủ. Điều khẳng định là, năm 2014, bức tranh kinh tế vĩ mô đã có sự ổn định hơn, nhiều chương trình trọng điểm quốc gia được triển khai, nhiều ngành, lĩnh vực có sự chuyển biến theo hướng tính cực, dự báo GDP cả năm đạt kế hoạch 5,8% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chúng ta đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, môi trường an ninh, chính trị-xã hội ổn định, đối ngoại được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước. Đó là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Tuy nhiên, nội lực của nền kinh tế còn rất khó khăn. Sản xuất kinh doanh, nợ xấu, nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, tổng cầu thấp, các vấn đề về lao động, việc làm, đời sống, thu nhập, những bất cập trong giáo dục, y tế, những vấn đề xã hội bức xúc, những ẩn chứa phức tạp của tình hình biển Đông-đang là những vấn đề đặc biệt quan tâm hiện nay. Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách đánh giá thật chính xác các chỉ tiêu đạt được để phản ánh đúng tình hình khó khăn của đất nước.
Ở đây, tôi đề nghị cân nhắc thêm các chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư phát triển, bội chi ngân sách, giải quyết việc làm để phản ánh đúng với tình hình hiện nay. Nếu xét cả 4 năm từ 2011-2014, đến nay có một số chỉ tiêu đạt thấp và có khả năng không đạt kế hoạch 5 năm, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển, bội chi ngân sách nhà nước,... Đó là những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế đất nước.
2. Về Kế hoạch năm 2015, tôi cơ bản nhất trí các chỉ tiêu và giải pháp của Chính phủ đề ra. Ở đây, tôi đề nghị cân nhắc chỉ tiêu tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, nếu tính bình quân 4 năm, từ 2011-2014, thì tổng vốn đầu tư đạt khoảng 31,4% GDP. Như vậy, để đạt tăng trưởng GDP 6,2%, đề nghị tổng nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2015 ít nhất bằng mức bình quân của 4 năm, khoảng 31,4% là phù hợp, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế. Dưới đây, tôi xin phân tích 2 nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất: Vấn đề nổi lên hiện nay là, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động và báo lỗ tăng khá lớn, tác động tiêu cực đến lao động, đời sống, việc làm, thu ngân sách,... Cả nước có khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng hiệu quả kinh doanh chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu, môi trường kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tham luận tại hội trường trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.
Có thể nói, đến nay, tác động của chính sách chưa mạnh mẽ, dù có nhiều chính sách ban hành nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được một cách đầy đủ, toàn diện. Một số nhóm chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung, chưa có ưu đãi rõ ràng, như ưu đãi về thuế, mặt bằng, lãi suất, chậm tháo gỡ khó khăn về thị trường, đất đai, vốn ưu đãi,...Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ; gần đây, Chính phủ đã có Chỉ thị giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là một cố gắng rất lớn, song vấn đề đặt ra là, vì sao hiện nay doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của vấn đề là thể chế và sự tác động của chính sách đối với doanh nghiệp.
Ở nhiều địa phương, mức độ triển khai chính sách còn chậm trễ, thậm chí chưa chủ động xây dựng chương trình trợ giúp doanh nghiệp. Cộng thêm đó, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn, càng tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, có những công trình xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách; doanh nghiệp làm xong công trình nhưng Nhà nước chưa có vốn thanh toán, Nhà nước nợ doanh nghiệp, trong khi đó, doanh nghiệp phải vay vốn Ngân hàng để đóng thuế Nhà nước. Đó là một nghịch lý.
Từ tình hình trên, tôi xin đề xuất 3 vấn đề sau đây:
(1)- Đề nghị Quốc hội xác định mục tiêu: Tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp - là chủ đề hành động của năm 2015. Trước mắt, Chính phủ cần rà soát, đánh giá tác động của hệ thống chính sách trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, như các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, lãi suất vay,... để bổ sung, điều chỉnh chính sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là cần tăng tính khả thi để bảo đảm các chính sách hỗ trợ phải thực sự đến được với doanh nghiệp.
(2)- Trong bối cảnh tổng cầu nền kinh tế suy giảm, đề nghị có chính sách đẩy mạnh kích thích tiêu dùng, khuyến khích mạnh đầu tư khu vực tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Tôi cho rằng, cần phải rà soát, tính toán để cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, tránh lệ thuộc quá mức vào một thị trường, một đối tác. Ví dụ: Vừa qua, xuất khẩu một số mặt hàng, như cao su, nông lâm sản,... còn lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên rất khó khăn, nhất là sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta.
(3)- Đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn xử lý dứt điểm các khoản nợ xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, như: gói tín dụng 30.000 tỷ đồng,... vì hiện nay các gói tín dụng này đến với doanh nghiệp vẫn còn chậm.
Thứ hai: Về phát triển kinh tế vùng, vừa qua, Chính phủ đã xác định các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế tổng hợp nhằm tạo không gian liên kết trong vùng. Nhìn chung, các vùng kinh tế trọng điểm đã có tốc độ tăng trưởng khá, song đối với các vùng khó khăn còn chậm phát triển, nhiều định hướng đề ra chưa được triển khai do nguồn lực khó khăn, thiếu cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ. Vì vậy, tôi đề nghị:
(1)- Chính phủ sớm có cơ chế chính sách đặc thù đối với các vùng miền khó khăn, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kêu gọi các dự án có tính động lực hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng, nhằm tránh sự tụt hậu so với các vùng trong cả nước.
(2)- Riêng đối với vùng Bắc Trung bộ, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39/TW, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình đến năm 2030-là vùng kinh tế tổng hợp. Chính phủ đã định hướng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, xây dựng nhà máy nhiệt điện, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh Lào, Đông Bắc Thái Lan,...Song, đến nay, còn nhiều chương trình, dự án dở dang, triển khai chậm,...
Vì vậy, đề nghị Chính phủ có lộ trình đầu tư các dự án trọng điểm thuộc nguồn lực đầu tư của Trung ương nhằm thúc đẩy kinh tế Vùng phát triển. Ở đây, tôi xin đơn cử: Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch-Bắc Quảng Bình, có công suất 2.400MW. Dự án này do một Tập đoàn kinh tế Nhà nước cam kết đầu tư và đã khởi công từ năm 2011. Trách nhiệm của địa phương đã sớm hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư đã lâu, nhưng đến nay Dự án vẫn chưa động tĩnh.
Nhân dân có nhiều ý kiến bức xúc, cho rằng, nhân dân chấp hành nghiêm việc di dời tái định cư, nhưng Dự án không triển khai như cam kết ban đầu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo để Dự án triển khai theo tiến độ, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển như Chính phủ đã xác định.
Xin cảm ơn Quốc hội.
Theo Báo Quảng Bình