Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình triển khai vào tháng 11/2013, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2018. Mục tiêu của Dự án là cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho các hộ nghèo vùng nông thôn. Theo đó, 40 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc 06 huyện trong toàn tỉnh được hưởng lợi từ Dự án. Thông qua việc đầu tư vào mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi và thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án có tác dụng thúc đẩy các mối liên kết thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh.
Qua 01 năm thực hiện, Dự án đã triển khai 03 hợp phần, đó là: Lập kế hoạch phát triển định hướng thị trường; dịch vụ tài chính nông thôn; đầu tư phát triển thị trường và chuỗi giá trị. Dự án có trên 12.400 người dân tham gia vào quy trình phát triển kinh tế, xã hội định hướng thị trường, trong đó có trên 50% người nghèo, 30% đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình triển khai, Dự án đã xây dựng một hệ thống thực thi cho tất cả các hợp phần. Tuy nhiên, nhận thức các cấp chính quyền còn hạn chế về vai trò hỗ trợ Dự án để thực hiện một số chính sách Chính phủ trong nông nghiệp, định hướng thị trường vì người nghèo; các cơ quan Nhà nước chưa phát huy hết vai trò, chức năng để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị trong nông nghiệp; việc lồng ghép các Chương trình như 134, 135 và 30a chưa đồng bộ…
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát của Văn phòng IFAD Việt Nam đã trao đổi kết quả đánh giá cũng như đề xuất thay đổi chiến lược đầu tư của Dự án; các cơ quan, đơn vị tham gia và thực thi Dự án đã có những kiến nghị về việc thực hiện triển khai giải ngân nguồn vốn; phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa vì người nghèo; xúc tiến thương mại…
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án SRDP tỉnh đánh giá cao hoạt động của Dự án trong việc góp phần quan trọng vào việc thay đổi tập quán canh tác, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa theo định hướng thị trường và phát triển các chuỗi giá trị, đồng thời tạo ra những sự thay đổi tích cực về diện mạo, đời sống của người dân khu vực nông thôn. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, đồng chí yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia của người dân theo định hướng thị trường tại các xã hưởng lợi; hoạch định những nhà cung cấp dịch vụ tài chính hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp; tài liệu hóa yêu cầu của các tổ chức tài chính để xin phê duyệt vốn vay... Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án SRDP tỉnh lưu ý Dự án có những phương án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của 40 xã nghèo và khó khăn để mang lại hiệu quả cao nhất cho người nghèo, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thông qua phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Theo Website Quảng Bình