Thông tin về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (tiếp theo kỳ trước)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng, trong 02 ngày 27 và 28/10/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội 02 Tờ trình về Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Hộ tịch.

Theo yêu cầu của chủ tọa phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc trình Dự án Luật Hộ tịch và mối quan hệ với Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Căn cước công dân; về vấn đề cấp Giấy đăng ký khai sinh cho trẻ em, Giấy đăng ký kết hôn cho người lớn và về phân cấp quản lý đăng ký hộ tịch…

Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, Dự thảo Luật Căn cước công dân vẫn còn một số bất cập trong quy định về quyền, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức trong sử dụng căn cước công dân; cung cấp thông tin, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu về dân cư; về việc xác định quê quán theo thứ tự nơi sinh trưởng và ở một số nội dung liên quan khác.



Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Căn cước công dân

Đặc biệt, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về giá trị sử dụng Thẻ Căn cước công dân vì Luật Căn cước công dân dự kiến có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2016, trong khi Chứng minh nhân dân (CMND) được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến đầu năm 2020. Nghĩa là có một giai đoạn chuyển tiếp 05 năm, trong giai đoạn chuyển tiếp đó sẽ tồn tại cả CMND và Thẻ Căn cước công dân nhưng Dự thảo Luật không quy định rõ mối liên hệ giữa các loại giấy tờ này. Hơn nữa, Dự thảo Luật đã không khắc phục được bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, khi cơ quan chức năng thí điểm trên diện rộng việc sử dụng CMND 12 số thay cho CMND 09 số.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng đã phân tích và cho rằng, khi CMND hết hạn hoặc bị mất, xin cấp mới thì cơ quan quản lý sẽ cấp sang Thẻ Căn cước công dân, không cấp CMND nữa. Tuy nhiên, các giao dịch đã ký kết thì lại theo CMND cũ. Như vậy rất bất cập cho người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng, bất động sản. Những vấn đề này cần được quy định cụ thể để làm rõ trong Dự thảo Luật, nếu không sẽ gây phiền hà lớn cho nhân dân.

Những ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội đã dành 03 buổi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015. Đại biểu cũng phân tích để làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế, khó khăn của nền kinh tế - xã hội trong năm 2014 và 04 năm từ 2011-2014. Từ cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách đánh giá thật chính xác các chỉ tiêu đạt được, trong đó chú ý cân nhắc thêm chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư phát triển, bội chi ngân sách, giải quyết việc làm để phản ánh đúng với tình hình hiện nay.

Về Kế hoạch năm 2015, đại biểu Hoàng Đăng Quang phân tích và đề nghị, để đạt tăng trưởng GDP 6,2%, năm 2015 cần phải có tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ít nhất bằng mức bình quân của 4 năm (2011-2014), khoảng 31,4% là phù hợp. Đại biểu cũng đã phân tích sâu về những khó khăn hiện nay trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đề nghị Quốc hội xác định mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp - là chủ đề hành động của năm 2015. Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tác động của hệ thống chính sách trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để bổ sung, điều chỉnh chính sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo; nghiên cứu để có chính sách đẩy mạnh kích thích tiêu dùng, khuyến khích mạnh đầu tư khu vực tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đồng thời ưu tiên vốn xử lý dứt điểm các khoản nợ xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đề cập đến việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vùng, đại biểu Hoàng Đăng Quang cho rằng, hiện tại các vùng kinh tế trọng điểm đã có tốc độ tăng trưởng khá, song đối với một số nơi khó khăn còn chậm phát triển, nhiều định hướng đề ra chưa được triển khai do nguồn lực khó khăn, thiếu cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế chính sách đặc thù đối với các vùng, miền khó khăn, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kêu gọi những dự án có tính động lực hỗ trợ cho các tỉnh, nhằm tránh sự tụt hậu so với các vùng trong cả nước. Đối với Vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, đại biểu cho rằng, đến nay, còn nhiều chương trình, dự án dở dang, triển khai chậm và đề nghị Chính phủ có lộ trình đầu tư các dự án trọng điểm thuộc nguồn lực đầu tư của Trung ương. Liên quan đến nội dung này, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo để Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch - Bắc Quảng Bình triển khai theo tiến độ, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển như Chính phủ đã xác định.

Ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2011-2015. Tham gia thảo luận về nội dung trên, đại biểu Hoàng Đăng Quang tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công.

Để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công có hiệu quả trong thời gian tới, đại biểu Hoàng Đăng Quang đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tái cơ cấu đầu tư công; xây dựng đề án tổng thể tái cơ cấu đầu tư công để xác định lộ trình, bước đi cụ thể; nghiên cứu cơ chế mở rộng các hình thức đầu tư để huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc quản lý đầu tư công, phân cấp, phân quyền, phân nhiệm rõ ràng theo hướng gắn trách nhiệm của từng cấp chính quyền, đại biểu đề xuất sớm với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện, cần phải tính đến các yếu tố vùng, miền và từng ngành, lĩnh vực quan trọng có thế mạnh phát triển dài hạn của đất nước trong tái cơ cấu đầu tư công. (còn nữa)

Theo Website Quảng Bình