Văn phòng UBND tỉnh, “dấu ấn” 70 năm

Cách đây 70 năm, ngày 28/8/1945, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra tuyên cáo cho đồng bào cả nước và trên toàn thế giới biết: Chính phủ lâm thời nước Việt Nam được thành lập. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử hành chính nước ta, một chính quyền của dân, do dân và vì dân được thành lập. Để ghi nhớ sự kiện này và theo đề nghị của các tỉnh, thành trong cả nước, ngày 22/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 828/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm làm Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước.

Với Quảng Bình, ngày 23/8/1945 đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh ta một mốc son sáng chói. Đó là ngày mà 25 vạn nhân dân Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với khí thế như: “Triều dâng thác đổ” đã vùng lên khởi nghĩa cùng với cả nước đánh đuổi Nhật, Pháp giành chính quyền về tay nhân dân, đưa đất nước ta, quê hương ta bước sang một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, dân chủ và quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Cũng sáng ngày 23/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Bình gồm các đồng chí Trần Văn Sớ, Chủ tịch; Hoàng Văn Diệm, Phó Chủ tịch; Đoàn Khuê, Uỷ viên quân sự... đã ra mắt trước khí thế hào hùng của đông đảo quần chúng tại thị xã Đồng Hới. Từ thời điểm đó, Văn phòng UBND cách mạng lâm thời của tỉnh cũng ra đời. Trải qua thời gian, Văn phòng UBND tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn phấn đấu từng bước xây dựng và trưởng thành để hoàn thành tốt nhiệm vụ là bộ máy phục vụ, tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh qua các thời kỳ cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.

Trong khoảng thời gian từ ngày đầu Quảng Bình khởi nghĩa 23/8/1945 đến ngày giặc Pháp đổ bộ lên đất Quảng Bình 27/3/1947, nhiệm vụ chủ yếu của Văn phòng là phục vụ Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh chỉ đạo xây dựng và củng cố chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, xây dựng và củng cố Văn phòng Uỷ ban kháng chiến tỉnh. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiệm vụ của toàn Đảng toàn dân lúc này là ra sức chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Văn phòng đã tích cực góp phần vào việc xây dựng lực lượng kháng chiến chống Pháp xâm lược; cụ thể là xây dựng 3 thứ quân, xây dựng lực lượng toàn dân chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đấu với giặc Pháp. Công tác nổi bật trong thời gian này của Văn phòng Uỷ ban là phục vụ việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 06/01/1946.

Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh ta trừ huyện Tuyên Hóa cũ (gồm Tuyên Hóa và Minh Hóa) còn hầu hết các huyện, thị đều bị giặc Pháp chiếm đóng. Ngoài việc phục vụ Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh chỉ đạo chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác Văn phòng tập trung vào việc tổ chức tản cư di dời toàn bộ cơ quan Uỷ ban tỉnh từ thị xã Đồng Hới ra vùng chiến khu huyện Tuyên Hóa. Việc di tản hoàn toàn đi bộ theo đường rừng, núi, có nhiều đoạn men theo vùng giáp ranh, dưới sự kiểm soát của máy bay và đại bác địch song với ý chí nỗ lực phấn đấu cao của toàn thể cán bộ công nhân viên chức của Văn phòng đã vượt qua khó khăn, sớm ổn định tình hình phục vụ kịp thời cho sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban kháng chiến hành chính, bảo đảm sự liên lạc thường xuyên, không bị đứt quãng giữa tỉnh với các huyện, thị trong vùng bị địch chiếm đóng.

Tháng 5 năm 1949 thực hiện khẩu hiệu “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh” và chủ trương “Hạ Sơn” do Đại hội II Đảng bộ tỉnh đề ra, tất cả các cơ quan cấp tỉnh, trước hết là Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh phải chuyển trụ sở làm việc về vùng giáp ranh giữa ta và địch, giữa vùng căn cứ du kích của 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Toàn bộ anh chị em cán bộ công nhân viên chức Văn phòng lại tiến hành một cuộc hàng quân ngược lại từ Bắc vào Nam. Trụ sở cơ quan Văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh lúc đầu vào đóng ở Bến Tiêm, thượng nguồn sông Long Đại, sau tiến dần về vùng giáp ranh thuộc các xã căn cứ du kích miền Tây của 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch (1949 - 1952).

Công tác di dời cơ quan Văn phòng từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam trong thời kỳ chiến tranh là một công việc hết sức khó khăn cấp bách, đầy gian khổ hy sinh, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo, sự động viên khích lệ của Thường trực Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, Văn phòng đã lãnh đạo, động viên toàn thể anh chị em trong cơ quan làm tốt từ việc di chuyển đến việc ổn định nơi ăn chốn ở. Đặc biệt là việc bố trí, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc từ vùng căn cứ tới vùng tạm chiến, từ cơ quan đầu não tỉnh đến các huyện, thị, các vùng trong tỉnh; đảm bảo truyền đạt kịp thời những chủ trương, những quyết sách của tỉnh trong việc đánh địch, xây dựng cơ sở, bảo vệ dân, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống cho dân. Cho đến 18/8/1954, Uỷ ban kháng chiến hành chính chuyển về tiếp quản thị xã Đồng Hới trong ngày giải phóng.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Quảng Bình tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cách mạng giải phóng miền Nam, Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh được tăng cường và củng cố, kịp thời phục vụ Uỷ ban hành chính tỉnh khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, sửa sai cải cách ruộng đất. Đặc biệt ngày 16/6/1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Văn phòng đã nỗ lực ngày đêm cùng với các ngành trong tỉnh triển khai công tác tổ chức đón tiếp và bảo vệ tuyệt đối cho chuyến đi của Bác thành công tuyệt đối...

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh đã làm tốt chức trách, góp phần vào sự nghiệp chung của cả tỉnh, cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, tháng 3 năm 1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, Văn phòng 3 tỉnh và 01 đặc khu hợp nhất thành Văn phòng Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Trị Thiên. Văn phòng UBND tỉnh Bình Trị Thiên về tổ chức cũng như hoạt động có những nét đặc thù, cụ thể là Văn phòng Uỷ ban hành chính 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên được thành lập và hoạt động mới hơn 10 tháng (tháng 5/1975 đến tháng 3/1976) trong lúc Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh Quảng Bình đã hoạt động có nền nếp hơn 20 năm. Do đó, bộ phận cán bộ công nhân viên chức Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh Quảng Bình được coi như những người đi trước, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn. Phát huy mặt mạnh của mình, anh chị em cán bộ, chuyên viên Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm làm nòng cốt góp phần tích cực vào việc ban hành văn bản, dự thảo báo cáo, dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Bình Trị Thiên, đồng thời còn tích lũy và biên tập thành công báo cáo tổng kết 5 năm và 10 năm của tỉnh có chất lượng. Ngoài ra Văn phòng UBND Bình Trị Thiên còn trực tiếp tham gia xây dựng báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ I, II, III, IV.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức trong Văn phòng, Văn phòng UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đã được UBND tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị chủ chốt làm tham mưu trực tiếp có hiệu quả cho UBND tỉnh, nhất là đã xây dựng và biên tập được những báo cáo tổng kết có giá trị, được đánh giá cao trong các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Với 13 năm, gần trọn 3 lần kế hoạch 5 năm (1976 - 1981; 1981 - 1985 và 1985 - 1989), dưới mái nhà chung Bình Trị Thiên “tỉnh rộng, huyện dài, xã to”, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện cơ giới thiếu thốn, thông tin liên lạc, điện đài còn lạc hậu, nhưng được sự giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh, Văn phòng đã làm tốt chức năng tham mưu, tổng hợp, đảm bảo cung ứng hậu cần, kỹ thuật giúp UBND tỉnh lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội, từng bước ổn định cuộc sống của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước trong giai đoạn khó khăn này.

Ngày 01/7/1989, tỉnh ta được tái lập, trở về địa giới và tên gọi vốn có trong lịch sử: Quảng Bình. Từ đó, Văn phòng lại bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ đầy khó khăn thách thức nhưng cũng là thời kỳ có cơ hội tốt để phát triển. Đi đôi với việc sắp xếp, ổn định dần chỗ làm việc cho UBND và Văn phòng UBND tỉnh là việc tổ chức sắp xếp công tác từng bộ phận, xây dựng chương trình công tác, cải tiến lề lối làm việc, xác lập và tổ chức thực hiện nội quy cơ quan trong hoàn cảnh mới. Nhờ mọi việc được tiến hành khẩn trương tích cực, đồng bộ nên sau một thời gian ngắn công tác Văn phòng đã đi vào nền nếp, từng bước phát huy hiệu quả. Từ việc tập trung ổn định tổ chức đến cải tiến hệ thống thông tin, lề lối làm việc theo hướng bám sát các ngành, các địa phương, sát cơ sở đã đưa mọi hoạt động vào nền nếp, có tính khoa học. Đồng thời coi trọng việc xây dựng và củng cố mối quan hệ với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng các sở, ngành, đoàn thể, Văn phòng Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, phục vụ cho lãnh đạo tỉnh điều hành kinh tế - xã hội.

Trong việc tổng hợp đánh giá nắm tình hình trước mắt (tình hình ngày, tuần, tháng) Văn phòng đã biết đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; những sự việc cấp bách nổi cộm. Do đó đã biên tập nên những bản báo cáo ngắn gọn có ý nghĩa thiết thực: vừa kịp thời, vừa đúng thực tế, vừa đề xuất được những giải pháp sát đúng, khả thi được lãnh đạo chấp nhận. Trong việc xây dựng và điều hành nắm thông tin, tổng hợp và biên tập văn bản để đề xuất UBND xử lý, Thường trực UBND tỉnh đều tin cậy giao cho Văn phòng chủ động tổng hợp và thực hiện, kể cả những báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trình các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Nội dung những bản báo cáo quan trọng có tính tổng kết đi đôi với dự thảo Nghị quyết khi đưa ra báo cáo trước Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân đều được đánh giá có chất lượng.

Kết quả trên là sự cố gắng phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh, nhất là vai trò của bộ phận chuyên viên. Từ ngày lập lại tỉnh đến nay khối chuyên viên, tổng hợp đã có những cố gắng vượt bậc, tích lũy được kinh nghiệm làm công tác văn phòng, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng soạn thảo văn bản quản lý nhà nước, luôn luôn trau dồi và rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, đã đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trước đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, phục vụ tốt sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh góp phần đắc lực vào thành tích chung của tỉnh nhà.

Về công tác phục vụ cho các hoạt động của UBND tỉnh, trải qua các thời kỳ Văn phòng UBND tỉnh nói chúng trong đó khối phòng chuyên môn phục vụ trước đây là phòng Hành chính- Quản trị, nay là phòng Hành chính - Tổ chức, phòng Quản trị - Tài vụ luôn cố gắng nổ lực phấn đấu, không quản ngại khó khăn gian khổ, bám sát nhiệm vụ đảm bảo hậu cần, kỷ thuật, phương tiện, phục vụ cho lãnh đạo tỉnh kịp thời, có hiệu quả.

Công tác văn thư, lưu trữ ngày càng được nâng cao và đi dần vào quy tắc nền nếp. Việc cấp phát tiếp nhận và lưu trữ văn bản đi và đến, bảo đảm cho hoạt động tra cứu, khai thác tài liệu nhanh chóng phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh luôn được thông suốt, kịp thời. Công tác hành chính đang được từng bước cải tiến theo hướng hiện đại hóa công tác văn phòng nhất là đưa ứng dụng tin học vào nghiệp vụ văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Việc tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân cũng được cải tiến và ngày càng có hiệu quả hơn.

Ngoài công tác chuyên môn trong thời kỳ này Văn phòng đã góp phần phục vụ bảo đảm an toàn, chu đáo, trọng thị các Đoàn công tác cấp cao của Nhà nước, Chính phủ… Những hoạt động phục vụ công tác đối ngoại của cán bộ công chức, viên chức Văn phòng được Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao.

Lãnh đạo Văn phòng đã chăm lo việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Văn phòng, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng đề cao ý thức trách nhiệm, năng lực sáng tạo của từng cá nhân, từng bộ phận đảm bảo cho nội bộ Văn phòng đoàn kết nhất trí, giữ vững kỷ luật kỷ cương; động viên giúp đỡ nhau phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong mọi tình huống. Trình độ cán bộ công nhân viên chức Văn phòng ngày càng được nâng cao và chuẩn hóa theo chức trách, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới.

Với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Văn phòng, trong những năm qua, nhiều tập thể và cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng. Đặc biệt năm 2003, Văn phòng UBND tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2012 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Thành quả đó tiếp tục là động lực là nền tảng để mỗi cán bộ làm công tác văn phòng không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kịp thời, có hiệu quả vào điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Theo Quang Binh Portal