Sau hơn 02 năm triển khai, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan, cụ thể: Năm 2014, tổng số Thẻ BHYT phát hành là 605.006 thẻ, đạt 70% dân số toàn tỉnh. Năm 2015 ước tính là 677.606 thẻ, đạt 77%, tăng 72.599 thẻ so với năm 2014, tỷ lệ tham gia BHYT tăng 08%.
Ảnh minh họa
Để đạt được kết quả đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã khẩn trương lập danh sách các đối tượng tham gia BHYT chuyển Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh để cấp thẻ BHYT kịp thời theo quy định mới cho người tham gia BHYT, đặc biệt là những đối tượng bắt buộc tham gia mới theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng tiến hành đổi thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi đối với những trường hợp thẻ hết hạn sử dụng trước tháng 9 hàng năm; tiếp tục thực hiện tốt công tác Giám định BHYT, bảo vệ quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT theo quy định mới cho người bệnh; phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh giải đáp những thắc mắc của người bệnh BHYT và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Tính đến hết tháng 5/2015, có 258.053 lượt người khám, chữa bệnh BHYT với tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT ước tính là 100,06 tỷ đồng.
Có thể nói, kết quả sau hơn 02 năm triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng, quyền lợi khám, chữa bệnh được đảm bảo. Qua đó cho thấy, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên hiện nay, công tác tuyên truyền và thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, vướng mắc như sự phối hợp giữa BHXH huyện, Bệnh viện Đa khoa, Phòng Y tế thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế, nhất là Trạm y tế xã chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh, nên ảnh hưởng đến việc đưa thẻ BHYT về khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở. Ngoài ra, phần mềm quản lý viện phí của các bệnh viện thiếu thống nhất, chưa đảm bảo yêu cầu quản lý dữ liệu, quyết toán và thay đổi quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT; tổ chức mạng lưới bán thẻ và cung ứng thẻ cho người dân còn nhiều bất cập...
Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành sẽ tiến hành rà soát và khoanh vùng đối tượng để đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện BHYT hộ gia đình theo hướng cải cách tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT; đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ; đồng thời quản lý và sử dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT hiệu quả, bảo đảm quyền lợi, tạo niềm tin, thu hút, hấp dẫn người tham gia BHYT. Mặt khác, BHXH tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng; chú trọng đến các nhóm có độ bao phủ cao như học sinh, sinh viên, người cận nghèo, nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, phấn đấu đạt 95-100% tổng số đối tượng; huy động tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho những đối tượng trên để tăng độ bao phủ BHYT.
Theo Quang Binh Portal