Tham dự lễ khánh hạ có đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu; ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các nước Myanmar, Lào, Campuchia; đại diện BIDV Việt Nam, các nhân sĩ trí thức... Về phía tỉnh, tham dự lễ có đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng; đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan cùng hàng trăm phật tử và đông đảo người dân huyện Lệ Thủy.
Chùa tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 04 km về phía Nam. Đến nay, chùa còn lưu giữ lại nhiều hiện vật như tượng Phật bà Quan thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo, đặc biệt, vẫn còn đại hồng chung cao 1,15 m, đường kính thân chuông 0,57 m, chu vi 1,45 m được đúc vào thời vua Minh Mạng và cổng Tam Quan, nền nhà Chính điện.
Chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy có tên là chùa Kính Thiên, chùa Quan với lịch sử hơn 700 năm, là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất khu vực miền Trung. Trải qua thăng trầm của lịch sử dân tộc, chùa Hoằng Phúc nhiều lần bị thiên tai, chiến tranh tàn phá và đã được các thế hệ người Việt trùng tu, phục dựng.
Với giá trị lịch sử của chùa, 01/6/2010, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp tỉnh và ngày 09/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là tiền đề vững chắc, cơ sở để trùng tu, phục dựng chùa khang trang, đúng nét linh thiêng xưa, đáp ứng nhu cầu phụng thờ đức Phật, từ bi, hướng thiện của nhân dân địa phương.
Công trình phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được khởi công từ ngày 30/11/2014 theo hướng chính là giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần, gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, tháp Phật, Tam bảo chùa, nhà thờ Tổ, Tả hữu hàng lang, Am hóa vàng và các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư trên 55,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó nhà tài trợ chính là BIDV Việt Nam. Đến nay, các hạng mục chính của công trình đã hoàn thành và chính thức khánh hạ.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn các Bộ, ban, ngành Trung ương, Công đoàn BIDV và các đơn vị, cá nhân đã giúp đỡ trong việc phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc. Đồng chí khẳng định đây là công trình mang đậm nét văn hóa, một địa chỉ sinh hoạt tôn giáo, đáp ứng yêu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng và du khách khi đến Quảng Bình. Để phát huy giá trị lịch sử của chùa Hoằng Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và huyện Lệ Thủy tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Di sản Văn hóa, làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ và cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc quốc gia chùa Hoằng Phúc. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy, nhất là xã Mỹ Thủy, Ban Quản lý chùa Hoằng Phúc và chính quyền địa phương cần nghiên cứu, phục dựng các hoạt động lễ hội, không ngừng giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể; gắn việc quảng bá giá trị di sản văn hóa chùa Hoằng Phúc vào các chuỗi hoạt động du lịch lịch sử, tâm linh trong tỉnh, góp phần thu hút du khách, xây dựng thương hiệu điểm đến, phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 36 tập thể và 09 gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc. Công đoàn BIDV Việt Nam cũng đã trao tặng 2.000 phần quà an sinh xã hội cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 300 triệu đồng cho huyện Lệ Thủy và chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội đầu năm; tặng 01 xe cứu thương trị giá 1,2 tỷ đồng cho tỉnh.
Được biết, ngày 15/01/2016, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh đã tổ chức nghênh rước Ngọc xá lợi Đức Phật từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về an vị tại chùa Hoằng Phúc để đồng bào, tăng ni phật tử chiêm bái và thờ phụng. Đây là Ngọc xá lợi xương của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni được rước từ Chùa Shwedagon (Chùa Vàng) ở thành phố Yangon – ngôi chùa lớn và linh thiêng nhất Myanmar.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Chủ tịch UBND tỉnh trồng cây lưu niệm
Bà Lê Thị Kim Khuyên, Chủ tịch Công đoàn BIDV Việt Nam trao chìa khóa bàn giao chùa Hoằng Phúc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia cho chùa Hoằng Phúc
Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp trong việc phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc
Đại diện BIDV trao quà an sinh xã hội
Theo Quang Binh Porta
l