Từ việc xem xét các báo cáo và thực tiễn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua, đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo chưa đề cập tới tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bồi thường thiệt hại về nhà ở, các công trình bị rạn nứt, sụp lún, hư hỏng do thi công Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A; việc quy hoạch, nâng cốt Quốc lộ 1A nhiều điểm quá cao gây ngập lụt nhà dân khi mưa, lũ; thu phí, đặt các trạm thu phí BOT; bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung… Theo đại biểu, thời gian qua khiếu nại, tố cáo về các công tác này khá nhiều; vì vậy, để phản ánh đầy đủ thực trạng, đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung trên vào phần đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo.
Mặt khác, theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ khi đánh giá về những tồn tại hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho rằng địa phương giải quyết nhiều vụ việc chưa dứt điểm và đầy đủ. Thực tế, có nhiều vụ việc chính quyền địa phương đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật; ban hành văn bản chấm dứt xem xét giải quyết hoặc hướng dẫn công dân khởi kiện đến Tòa án; tuy vậy, người dân không đồng tình mà trực tiếp khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan Trung ương. Tại đây, sau khi tiếp nhận đơn thư của người dân, cơ quan chức năng Trung ương lại ban hành văn bản chuyển vụ việc về địa phương yêu cầu xem xét, giải quyết. Việc chuyển trở lại khiếu nại, tố cáo như trên làm cho công dân tưởng rằng chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương đã giải quyết vụ việc không đúng; từ đó phát sinh nhiều hệ lụy, công dân cứ tiếp tục đeo bám, khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Sau khi phân tích, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung báo cáo và yêu cầu các cơ quan chức năng ở Trung ương khi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của công dân phải nghiên cứu kỹ hồ sơ; đối với vụ việc địa phương đã giải quyết hết thẩm quyền, nếu thấy đúng quy định pháp luật thì ban hành văn bản chấm dứt thụ lý giải quyết, hoặc hướng dẫn công dân khởi kiện ra Tòa án, không chuyển về địa phương yêu cầu xem xét, giải quyết lại; tránh việc đơn, thư cứ đi lại lòng vòng mà vụ việc thì không được trả lời, giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, đại biểu đặt ra câu hỏi: Tại sao năm nào khi đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo cũng thấy khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt là các khiếu nại liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai? Tại sao sau mỗi lần đánh giá, chúng ta đều đề ra rất nhiều giải pháp nhưng rồi chuyển biến vẫn chậm? Từ việc đặt câu hỏi, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng cường siết chặt kỷ cương quản lý Nhà nước về đất đai; rà soát, loại bỏ các quy định còn chồng chéo, thiếu thống nhất; công khai, minh bạch về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng; thực hiện đảm bảo công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo tồn đọng liên quan và xử lý kỷ luật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đối với báo cáo của Tòa án, đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao làm rõ thêm trong năm 2017 có bao nhiêu bản án tuyên sai, tuyên không rõ nội dung dẫn đến khiếu nại, tố cáo? Có bao nhiêu khiếu nại, tố cáo tồn đọng từ những năm trước đã được giải quyết dứt điểm và còn lại bao nhiêu? Có bao nhiêu vụ việc phát sinh mới chưa được giải quyết? Làm rõ, trong số 67 đơn tố cáo cán bộ, công chức ngành Tòa án đủ điều kiện thụ lý, có 56 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các Tòa án Nhân dân cấp cao, Tòa án Nhân dân cấp tỉnh hiện nay đã được giải quyết chưa và đã giải quyết đến đâu? Có bao nhiêu tố cáo đúng và đã xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm ra sao?... Đại biểu cũng phân tích tình hình và đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án Nhân dân các cấp tăng cường đẩy mạnh tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài những vấn đề trên, đại biểu cho rằng, hiện còn khiếu nại của công dân nhưng chưa đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết; đó là, công dân khiếu nại các cơ quan Nhà nước không bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho họ khi việc tố cáo của công dân là đúng nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành kết luận là tố cáo sai; buộc họ phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, tiền của để chứng minh. Theo đại biểu, đây là vấn đề liên quan đến danh dự và kinh tế của người tố cáo, vì vậy, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần hết sức lưu ý, quan tâm để có những quy định phù hợp nhằm bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho người tố cáo đúng; qua đó, động viên người dân tích cực tham gia phát hiện tiêu cực, dũng cảm đứng ra tố cáo vi phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời còn góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết tố cáo.
Tiếp đó, vào sáng 09/11/2017, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới. Phát biểu tại phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề cập đến những tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề bình đẳng giới; đồng thời khẳng định tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã được Đảng, Nhà nước ta quán triệt thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được Hiến định. Các bản Hiến pháp, mà gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền, cơ hội bình đẳng giới. Qua nhiều nỗ lực, đến nay nhận thức về bình đẳng giới đã có sự chuyển biến đáng kể; vấn đề thực hiện bình đẳng giới, nhất là tạo mọi điều kiện cho giới nữ phát triển đã có những thành tựu đáng ghi nhận”.
Bên cạnh đánh giá chung những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng, đến nay nữ giới nước ta vẫn còn yếu thế trên nhiều phương diện; đặc biệt, số cán bộ nữ tham gia trong bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị vẫn còn khiêm tốn. Điều đáng quan tâm là, nhận thức có chuyển biến, hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều, nhưng hiệu quả thực hiện còn thấp. Theo đại biểu, nguyên nhân cơ bản của hạn chế trên là do giữa nhận thức, hành động chưa đồng hành, đặc biệt là quá trình tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên, cụ thể. Thậm chí còn hình thức, có quy hoạch, cơ cấu nữ vào bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp, đại biểu Quốc hội, HĐND... nhưng chỉ bảo đảm tỷ lệ quy định phần trăm nữ, còn không gắn với vị trí, chức vụ nên chưa bầu đã biết không trúng. Nhiều lãnh đạo cấp trên khi xét quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm không chú trọng, quan tâm quy định về giới nên thiếu tạo điều kiện cho giới nữ.
Trong một số chính sách của Đảng, Nhà nước cũng thiếu quan tâm đến nữ giới, như Chính sách tiền lương. Luật quy định nữ 55 tuổi, nam 60 nghỉ hưu, nhưng nam, nữ đều cùng hưởng một thang bảng lương và thời hạn nâng lương giống nhau. Thậm chí, theo cách tính lương hưu theo Luật Bảo hiểm mới, phụ nữ còn thiệt khoảng 10% lương. Những chính sách này cho thấy giới nữ đã không được đối xử bình đẳng. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có một chế tài nào xử lý tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp thiếu quan tâm đến bình đẳng giới; thậm chí đưa tiêu chí chỉ tuyển nam, hay tìm cách sa thải lao động nữ, đặc biệt là nữ tuổi trên 35 nên thiệt thòi về giới vẫn thường xảy ra. Mặt khác, Điều 187 Bộ luật Lao động quy định cho phép một số nhóm đối tượng có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều này. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 53 (ngày 29/5/2015) thì đối tượng cán bộ nữ được kéo dài tuổi nghỉ hưu còn hạn chế… Ngoài những nguyên nhân trên, tư tưởng định kiến trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại mà chưa bị triệt tiêu; nhiều phụ nữ còn nặng nghĩa vụ với gia đình; chỉ lo cho chồng, con; tự ty, thiếu ý thức phấn đấu, vươn lên cho bản thân mình.
Để cải thiện tình hình, tạo bước đột phá trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới một cách có hiệu quả, đại biểu đề nghị thời gian tới cần tập trung làm tốt một số việc sau: Một là, Đảng cần có tổng kết Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Kết luận số 55 của Ban Bí thư; Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới để có những giải pháp, kiến nghị, điều chỉnh việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật về bình đẳng giới một cách có hiệu quả. Hai là, các báo cáo hàng năm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, chỉ rõ được những cơ quan, đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, hoặc có hình thức xử lý cơ quan, đơn vị không thực hiện mục tiêu này. Quan tâm điều kiện cơ sở vật chất; tuyên truyền vận động; kiện toàn đội ngũ làm công tác bình đẳng giới; gắn trách nhiệm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới với trách nhiệm người đứng đầu; tạo động lực tốt nhất cho thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tránh tình trạng “Nói không đi với làm”; “Nói một đằng, làm một nẻo”. Ba là, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các chỉ tiêu, các quy định về mục tiêu thực hiện Bình đẳng giới phù hợp với chủ trương, Nghị quyết của Đảng, các Luật hiện hành và các cam kết với quốc tế về phát triển bền vững, thực chất về giới. Bốn là, khắc phục tình trạng văn bản ban hành chưa kịp thời, chậm điều chỉnh, thiếu ổn định, chưa bảo đảm tính nhất quán hoặc còn chồng chéo gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Năm là, Quốc hội cần có Nghị quyết điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ được áp dụng từ ngày 01/01/2018 để phụ nữ không bị thiệt thòi khi áp dụng Luật Bảo hiểm mới.
Ngoài những vấn đề trên, đại biểu cho rằng, hiện tại có một vấn đề cũng rất đáng quan tâm, đó là trong thực tế không chỉ nữ giới bị bạo lực mà nam giới vẫn bị bạo lực; nữ giới gây bạo lực cho nam giới. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện Luật, nhận thức có lúc còn lệch lạc, khi nói về giới chỉ quan tâm bảo vệ giới nữ mà không chú ý đến nam. Ví dụ như trong báo cáo về tình hình bạo lực gia đình không đề cập đến việc nam giới bị bạo lực. Vì vậy, đề nghị trong công tác tuyên truyền, thực hiện pháp luật về bình đẳng giới cũng cần chú trọng quan tâm bảo vệ quyền lợi cho nam giới khi bị bạo lực gia đình.
Theo Cổng thông tin điện tử Quảng Bình