Nhiều chính sách mới về đất đai bắt đầu có hiệu lực

Luật Đất đai sửa đổi cùng 5 nghị định hướng dẫn chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 sẽ mở ra một trang mới về quản lý đất đai theo hướng tạo thuận lợi và đảm bảo công bằng hơn cho người sử dụng đất.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi là Nhà nước sẽ hỗ trợ nhằm giúp ổn định đời sống và sản xuất của người dân khi bị thu hồi đất.

Theo đó, đối với cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi từ 30 - 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở hoặc 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.

Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, thời gian hỗ trợ là 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở; 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở hoặc tối đa 36 tháng nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Mức hỗ trợ trong thời gian nêu trên được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo trong một tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương. Riêng đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất, mức hỗ trợ ổn định sản xuất được tính bằng tiền, cao nhất bằng 30%/ năm thu nhập sau thuế theo mức thu nhập bình quân của 3 năm liền kề trước đó.

         Một nội dung quan trọng khác của Luật Đất đai sửa đổi và Nghị định 44/2014 là việc áp giá đất theo thị trường.

Đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất. 

Trường hợp quy định mức giá đất cao hơn 30% phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.
Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong địa giới hành chính phường thì căn cứ vào thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 50% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

Bảng giá đất được điều chỉnh trong trường hợp Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự; hoặc khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên

Bên cạnh việc định giá đất theo thị trường, Nghị định 43/2014 cũng hướng dẫn khá cụ thể về thời điểm tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm...

Ngoài ra, cũng từ ngày 1/7, thời hạn cho thuê đất; giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tăng lên 50 năm thay vì 20 năm như quy định hiện hành. 

Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp còn lại vẫn giữ nguyên ở mức tối đa 70 năm đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm; 99 năm đối với thuê đất xây trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao và 70 năm đối với đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.

Cùng với các quy định mới về đất đai, một số chính sách quan trọng khác cũng sẽ có hiệu lực từ 1/7/2014, như: xử phạt đội mũ bảo hiểm kém chất lượng; được phép kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy; lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải tiếp dân hàng tháng; giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác; hoàn thuế VAT cho hàng hoá của người nước ngoài; các quy định mới về đấu thầu...cũng sẽ có hiệu lực từ 1/7/2014.

Theo vneconomy