Quyết định nới thời hạn gói 30.000 tỷ

Sẽ tiếp tục triển khai gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết...

Đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/2013 với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa được Chính phủ ban hành.

Như vậy, với quyết định trên của Chính phủ, người mua nhà đã có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi theo quy định, gói 30.000 tỷ sẽ kết thúc vào 1/6/2016 sau đúng 3 năm triển khai. Trong đó, theo thông báo của các ngân hàng, tất cả các khoản giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ phải chịu lãi suất theo thị trường, thay vì mức 5% của gói 30.000 tỷ, kể cả với trường hơn hợp đồng vay được ký trước mốc thời gian trên.

Trước đó, ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hoả tốc gửi các ngân hàng thương mại yêu cầu dừng ký hợp đồng cho vay mới đối với gói 30.000 tỷ từ ngày 31/3/2016, với lý do số tiền cam kết cho vay đã đạt đến mốc 30.000 tỷ.

Cũng tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương ổn định tổ chức, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khai thác tối đa lợi thế của cả ba khu vực kinh tế, khắc phục hạn chế, khó khăn, kịp thời đề ra chính sách thích ứng.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương trình, ban hành theo thẩm quyền điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định hiện hành; tập trung rà soát, bổ sung danh sách doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 2/2016.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trình Chính phủ; thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả các chính sách thuế đối với sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước. 

Ngoài ra, một số bộ ngành khác cũng được yêu cầu đẩy mạnh, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết có hiệu quả các vấn đề theo chức năng của ngành, đặc biệt là các vấn đề mang tính thời sự như: an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh, hạn hán, cháy rừng….

Nguồn: Theo vneconomy.vn